Ngày 7-8, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Di dời khẩn cấp người dân
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28-7 đến 6-8, trên địa bàn liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài. Mưa nhiều dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ đập trong những ngày qua dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụp lún, sạt trượt đất tại một số khu vực.
Đặc biệt, khu vực hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) đã xảy ra sụp lún, sạt trượt trên diện rộng, gây nguy cơ vỡ đập. Các vết nứt ở khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500 m, sâu 150 m và chưa có chiều hướng dừng lại. Áp lực sạt lở khu vực xung quanh khiến phần thân đập xuất hiện nhiều vết nứt lớn, kéo dài, rộng từ 10-20 cm, đường trên thân đập bị nứt gãy. Trước nguy cơ vỡ đập, chính quyền đã phong tỏa lối ra vào thân đập, di dời toàn bộ những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, chuẩn bị các phương án để ứng phó nếu xảy ra tình huống xấu.
Tương tự, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Gia Nghĩa), tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm. Báo cáo ngày 7-8 của Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông - đơn vị quản lý đoạn đường này - cho biết xuất hiện một lỗ rỗng đất đã sụp lộ thiên, có nước chảy qua. Khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), đường tránh TP Gia Nghĩa những ngày qua xuất hiện các vết nứt và sạt trượt kéo dài.
Đoạn đường Hồ Chí Minh sạt lở nghiêm trọng
PGS-TS Lê Văn Hùng, chuyên gia đoàn công tác, nhận định nguyên nhân ban đầu khi xảy ra sự cố công trình thủy lợi Đắk N’Ting là do kết cấu đập tràn mất ổn định, tách khỏi móng. Riêng đập đất không loại trừ khả năng sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố trong thời gian tới. "Khu vực quanh hồ đất bị lún sập, tan rã là do trong mùa khô đã bị hút cạn nước, khi có mưa sẽ làm tan rã liên kết, tạo nên các vụ sụp lún. Để tránh xảy ra sự cố vỡ đập, trước mắt là xả nhanh nước và tính toán kỹ biện pháp khắc phục liên quan đến công trình" - PGS-TS Lê Văn Hùng nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Thái, chuyên gia đoàn công tác, do dịch chuyển bên vai đập nên công trình bị ảnh hưởng. Hiện khối trượt tạm thời dừng nhưng nguyên nhân sạt trượt quả đồi thì cần có đánh giá cụ thể. "Cơ quan chức năng cần khảo sát chiều sâu khối trượt, có quan trắc các vết nứt, theo dõi vết nứt để xử lý. Đặc biệt, địa phương tìm phương án hạ mực nước ngầm để thoát nước. Đồng thời, hạ mái dốc phía dưới, giảm tải phía trên để tránh quả đồi bị sạt" - ông Thái đề nghị.
Sạt lở đất do mất rừng
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có cơ sở ứng xử các tình huống theo phương án khẩn cấp.
Cũng theo ông Hiệp, những ngày qua lượng mưa của Đắk Nông lớn gấp 2 lần lượng mưa trung bình hằng năm, với 700 mm và gấp 1,5 lần năm 2022. Theo dự báo, trong 15 ngày tới lượng mưa ở Đắk Nông sẽ giảm nhưng đến cuối tháng 8 sẽ có một đợt mưa tiếp theo. Do đó, chỉ có 15 ngày để "cứu" công trình này. "Để xử lý các sự cố, trước hết phải tìm ra nguyên nhân, yêu cầu tiên quyết là bảo đảm an toàn cho nhân dân" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Nói về nguy cơ vỡ đập Đắk N’Ting, ông Hiệp cho rằng cần đưa ra tình huống xấu nhất để xử lý. Địa phương cần khảo sát, khoan, quan trắc để tìm nguyên nhân tổng thể sạt lở để có phương án xử lý. Phải xử lý cấp bách, làm thế nào giảm tối đa việc dịch chuyển khối trượt. Đối với đường Hồ Chí Minh hay các công trình khác, địa phương cần xử lý các vấn đề liên quan đến mưa và mạch nước ngầm.
Thứ trưởng cho biết đoàn công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chính xác hơn, kỹ hơn bản đồ sạt lở ở các địa phương và ưu tiên tại Tây Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương phải bảo đảm số lượng và chất lượng rừng. Đối với Tây Nguyên hiện nay bình quân mỗi năm mất đi từ 5.000 - 7.000 ha rừng. "Diện tích rừng càng ngày càng giảm, cộng với chất lượng xuống cấp sẽ gây ra các điểm sạt lở. Càng ngày Tây Nguyên sẽ có nhiều điểm sạt lở phức tạp. Do đó, địa phương cần chú trọng công tác quản lý, phát triển rừng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào phòng chống thiên tai để cảnh báo những tình huống có thể xảy ra" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.
Khảo sát địa chất một số khu vực sạt trượt
Cùng ngày, Đoàn Công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) bắt đầu khảo sát điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắc. Theo kế hoạch, đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu hiện trạng, diễn biến, nhận xét nguyên nhân sơ bộ tại khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắc.
Trên cơ sở đó, sẽ xem xét đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó kịp thời với hiện tượng sạt lở, nứt, sụt đất. Trước đó, đêm 31-7 và rạng sáng 1-8, khu vực bon Bu Krắc xuất hiện tiếng nổ và các vết sạt trượt. Trong những ngày qua, việc sạt trượt tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã di dời gần 70 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ và đang cắt cử lực lượng chốt chặn, theo dõi.
Bình luận (0)