Ngày 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó siêu bão Mangkhut.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định khả năng siêu bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lên đến 70%-80%.
Siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến ngày 17-9, vị trí tâm bão gần khu vực biên giới Việt - Trung. Khả năng cao siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16, 17-9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào các ngày 17, 18-9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa (bao gồm 27 tỉnh, thành) từ ngày 17 đến 19-9. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định hiện trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất, với sức gió hiện tại đạt cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ gây thiệt hại nghiêm trọng năm 2017 (cấp 4).
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut - Ảnh: HUY THANH
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, sức tàn phá lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, thiệt hại sẽ rất lớn nếu chủ quan. Do vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng dốc toàn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai sớm các phương án ứng phó, đặc biệt là phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Đến thời điểm này, 27 tỉnh, thành nằm trong phạm vi dự kiến bị ảnh hưởng của bão Mangkhut cũng đã sẵn sàng các biện pháp phòng chống bão. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 58.410 hộ dân sinh sống tại khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; hơn 68.000 hộ dân sinh sống tại khu vực bãi sông; 7.229 hộ sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng xong kế hoạch sơ tán đối với số hộ dân này.
Từ 6 giờ ngày 13-9, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển của Quảng Ninh đã tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi; tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển, yêu cầu các tàu du lịch lưu trú hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bãi Tử Long thực hiện đưa phương tiện về cảng, bến trong đất liền trả khách trước 9 giờ cùng ngày.
Bình luận (0)