Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 26-11 cảnh báo các quốc gia không nên vội áp đặt các hạn chế đi lại liên quan đến biến thể mới B.1.1.529, đồng thời kêu gọi các nước nên có cách tiếp cận dựa trên rủi ro và khoa học.
Người phát ngôn Christian Lindmeier cho biết WHO đã có cuộc họp kín để đánh giá biến thể B.1.1.529 được phát hiện ở Nam Phi và gọi đây là biến thể đáng quan tâm. Theo hãng tin Reuters, ông Lindmeier cho rằng sẽ mất vài tuần để xác định khả năng lây nhiễm của biến thể cũng như hiệu quả của vắc-xin và phương pháp điều trị đối với biến thể này. Trước mắt, người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và khử khuẩn tay.
Bộ Y tế Israel thông báo ca nhiễm biến thể B.1.1.529 đầu tiên ở nước này là một du khách trở về từ Malawi và 2 ca nghi nhiễm khác đã được cách ly.
Thông tin được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Israel cấm công dân tới các quốc gia miền Nam châu Phi và cấm người từ khu vực này nhập cảnh Israel do lo ngại biến chủng B.1.1.529. Các quốc gia nằm trong danh sách cấm gồm: Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini, Mozambique.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách trước khi lên chuyến bay đến Anh tại sân bay ở TP Johannesburg - Nam Phi, hôm 26-11 Ảnh: Reuters
Biến thể mới xuất hiện trong bối cảnh làn sóng ca mắc Covid-19 thứ 4 đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), buộc chính phủ các nước thắt chặt hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
EU cho biết đang lên kế hoạch dừng hoạt động đi lại bằng đường hàng không từ miền Nam châu Phi. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết bà đề xuất phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên, kích hoạt chế độ phanh khẩn cấp để ngăn chặn việc di chuyển bằng đường hàng không từ khu vực phía Nam châu Phi.
Đức cho hay đề xuất của bà von der Leyen có thể được ban hành ngay sau tối 26-11 (giờ địa phương). Các hãng hàng không trở về từ Nam Phi sẽ chỉ được phép chở công dân Đức và người nhập cảnh sẽ phải cách ly trong 14 ngày dù đã được tiêm phòng hay chưa.
Đề xuất cấm bay của EU được đưa ra sau hành động tương tự của Anh hôm 25-11. Theo hãng tin AP, Anh thông báo cấm các chuyến bay từ Nam Phi và 5 quốc gia miền Nam châu Phi có hiệu lực từ trưa 26-11 (giờ địa phương) và công dân Anh trở về từ những nơi này sẽ phải cách ly.
Ấn Độ khuyến cáo kiểm tra và sàng lọc nghiêm ngặt du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia "có nguy cơ" khác. Trong khi đó, Úc đang điều tra về biến thể mới và cảnh báo có thể đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ quốc gia châu Phi này nếu rủi ro từ chủng mới gia tăng.
Bộ Y tế Singapore thông báo tất cả du khách có lịch sử đi lại gần đây đến Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh Singapore từ 23 giờ 59 phút (giờ địa phương) ngày 27-11. New Zealand cũng đang theo dõi chặt chẽ các khuyến cáo toàn cầu về biến thể mới. Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson cảnh báo sự xuất hiện của biến thể mới như một lời cảnh tỉnh rằng đại dịch này vẫn đang tiếp diễn, đồng thời nhắc lại sự cần thiết của việc tiếp tục thận trọng trước đại dịch.
Mối lo ngại nghiêm trọng
Các nhà khoa học Nam Phi đang gấp rút xác định xem biến thể mới có thể lây lan nhanh đến mức nào và liệu có kháng vắc-xin không. GS Tulio de Oliveira, người điều hành các tổ chức giải trình tự gien và tư vấn cho chính phủ Nam Phi về đại dịch Covid-19, cho biết sẽ phải mất ít nhất 2 tuần mới có kết quả nghiên cứu về biến thể mới.
Chuyên gia này cho rằng biến thể B.1.1.529 mang một số lượng lớn đột biến bất thường và rất khác biệt so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla gọi biến chủng mới là mối lo ngại nghiêm trọng và là nguyên nhân khiến số ca mắc mới mỗi ngày tăng theo cấp số nhân. Biến thể này cũng đã được phát hiện tại Botswana và Hồng Kông - Trung Quốc.
Bình luận (0)