Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2023, trong 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội có 6/20 chỉ tiêu đạt trên 50% và vượt kế hoạch năm, 9/20 chỉ tiêu sẽ đánh giá vào cuối năm, 5/20 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Trong đó, đáng chú ý nhất là kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 15 tỉ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ.
Đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ nhưng có một nguyên nhân dễ thấy, đó là hạ tầng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Để khắc phục, Bình Dương đang lên kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án ngàn tỉ để hàng hóa được lưu thông thuận lợi ở cả đường thủy lẫn đường bộ. Trong đó, đáng chú ý là dự án Cảng sông An Tây và dự án Đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.
Theo ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, dự án Cảng sông An Tây nằm trên khu đất có diện tích 100 ha giáp sông Sài Gòn (thuộc xã An Tây, thị xã Bến Cát) và có tổng mức đầu tư hơn 2.279 tỉ đồng. Tương tự, dự án Đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An sẽ kết nối với tuyến đường sắt từ TP Dĩ An đến TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và kết nối với điểm cuối là cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dài 83 km, điểm dừng cuối là cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, đoạn đường sắt từ TP Dĩ An - huyện Bàu Bàng dài gần 42 km, tổng chi phí dự kiến 34.300 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tỉnh giải phóng mặt bằng với tổng vốn khoảng 9.500 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; giai đoạn tiếp theo xây hệ thống đường ray, nhà ga với kinh phí hơn 24.800 tỉ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc PPP.
Dự án Cảng sông An Tây kỳ vọng tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín
Về kế hoạch thực hiện, ông Thuận thông tin với dự án Đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An, tỉnh đang gấp rút nghiên cứu để sớm lập báo cáo tiền khả thi. Riêng với dự án Cảng sông An Tây, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. "Dự án Cảng sông An Tây dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027, gồm các hạng mục như văn phòng, kho bãi, hạ tầng kỹ thuật, bến cảng, đường giao thông; kênh thoát nước. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn" - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương thông tin.
Phù hợp thực tiễn
Bình luận về 2 dự án trên của Bình Dương, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng như đại diện các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ở tỉnh này cho rằng đó là kế hoạch phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương. Bởi Bình Dương được xem là "thủ phủ công nghiệp", áp lực vận chuyển hàng hóa là rất lớn nên việc đưa đường sắt, đường thủy vào hỗ trợ cho đường bộ là điều tất yếu phải làm.
Trong khi đó, ông Thuận nhấn mạnh 2 dự án trên có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Riêng dự án Cảng sông An Tây sẽ thu hút vận tải hàng hóa từ Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. "Dự án sẽ kết nối hầu hết các khu công nghiệp, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam Bộ" - ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thuận, ngoài khơi thông đường thủy, khi đưa vào vận hành, dự án Cảng sông An Tây còn thu hút một lượng lao động lớn tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động hiện thực hóa quy hoạch, định hướng phát triển - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Nói về dự án Đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương tin tưởng sẽ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đặc biệt là tỉnh có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phục vụ cho sự phát triển bền vững.
Thêm cơ hội
Mới đây, tại ga Sóng Thần, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HARACO) phối hợp cùng các đơn vị khách hàng tổ chức khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế chở container lạnh chạy tuyến đường sắt Sóng Thần - Đồng Đăng. Đoàn tàu bao gồm từ 20 ÷ 21 xe Mc chở các container loại 40 feet (hoa quả, nông sản, hải sản tươi sống) và 1 xe phát điện, tổng trọng lượng đoàn tàu 900 tấn.
Với việc thông quan hàng hóa tại ga Sóng Thần sẽ tạo đà cho việc xuất khẩu hàng hóa tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần đi các nước trong khối OSZD (Tổ chức Đường sắt quốc tế); đồng thời vận chuyển các nguồn hàng nhập khẩu từ các nước trong khối OSZD về khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, đoàn tàu còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng nông sản, hàng đông lạnh từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc để tiêu thụ và xuất khẩu.
Năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần hiện đạt 1,27 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2025.
Bình luận (0)