xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Hồng Ánh - Kỳ Nam

Nước vừa rút, các lực lượng quân đội, công an, Đoàn Thanh niên cùng chính quyền địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mà trận lũ lịch sử để lại ở 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa

Đến sáng 2-12, nước mới rút hết ở thôn Thạnh Hội - một thôn nhỏ trù phú nằm bên sông Ba thuộc xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), chỉ để lại lớp bùn nhão dày đến hơn 10 cm.

Tan hoang Thạnh Hội sau lũ lịch sử

Bước đến đầu thôn Thạnh Hội, dường như ai chúng tôi gặp cũng còn bần thần trước cảnh lũ khủng khiếp vừa quét qua nơi đây. Ông Nguyễn Hùng (SN 1969) vừa lượm những tấm gỗ ép từ chiếc tủ bị bục ra vì thấm nước mang ra ngoài ngõ để vứt, bảo rằng từ nhỏ đến giờ ông chưa bao giờ gặp cảnh lũ thế này. "Năm 1993, lũ cũng lớn nhưng lên từ từ nên chúng tôi còn kịp di tản. Còn năm nay lũ không thua năm đó nhưng lên cái ào, chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ tài sản ngập dưới biển nước" - ông Hùng ấm ức.

Nhà kế bên, bà Phạm Thị Quờn (74 tuổi) đang mang mớ gạo ướt nhẹp đã bốc mùi ra phơi trên chiếc chõng tre để mong những ngày tới có cái chống đói. Bà bảo tài sản trong nhà bà giờ chỉ còn bao nhiêu đó. Ngôi nhà mái ngói, tường đất của bà trống hoác vì nước làm đổ hết các vách. Trong sân là ngổn ngang quần áo, giường tủ lẫn chiếc xe đạp điện mà thường ngày bà đi chợ giờ "muối" trong bùn đất. "Lúc đó, may mà con đưa tôi chạy thoát thân. Khi về mới biết nước ngập lút mái. Về thấy ngôi nhà chỉ biết đứng khóc. Bây giờ nhờ mấy chú bộ đội đến giúp chứ chúng tôi không biết làm sao" - bà Quờn nói.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh 1.

Gấp rút sửa chữa đường đèo Khánh Lê nối Nha Trang - Đà Lạt Ảnh: KỲ NAM

Sáng sớm cùng ngày, 70 chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Hòa đã đến thôn Thạnh Hội giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp dân sửa chữa lại nhà ở. "Chúng tôi giúp dân dọn vệ sinh, khắc phục các công trình, chủ yếu là trường học, nhà văn hóa thôn, những con đường bị ách tắc để bà con đi lại. Đặc biệt là giúp các gia đình neo đơn, khó khăn để ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất" - thượng tá Trịnh Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Hòa, nói.

Gần cuối thôn, gia đình đang tổ chức tang lễ cho cháu Nguyễn Phan Ngọc Anh. Cháu Anh cùng với cháu Nguyễn Gia Phúc (cùng SN 2018) đã bị lật thuyền khi cứu hộ và bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 30-11, đến sáng 1-12 mới tìm thấy thi thể. Ngồi bên quan tài con, chị Nguyễn Thiện Ý (mẹ cháu Anh) chốc chốc như ngất đi. Chị thẫn thờ nói: "Đừng để tôi chết đi khi nhớ lại nỗi đau này".

Cùng ngày, TP Tuy Hòa và các huyện dọc sông Ba như Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa nước cũng đã rút. Nước rút đến đâu, người dân tranh thủ dọn dẹp, khắc phục đến đó. Đến chiều 2-12, tỉnh Phú Yên xác định đã có 9 người chết và mất tích trong trận lũ lịch sử vừa qua.

500 đoàn viên, thanh niên giúp dân

Chiều 2-12, ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Khánh Hòa - đơn vị thi công sửa chữa Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt), cho biết đèo Khánh Lê đã thông tuyến lúc 15 giờ cùng ngày, sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục sạt lở. Trước đó, đèo Khánh Lê có gần 20 điểm sạt lở, trong đó có 7 điểm sạt nặng bị ách tắc hoàn toàn. Tổng khối lượng sạt lở khoảng 40.000 m3. Lực lượng bảo trì đường bộ đã huy động máy móc, nhân lực thi công 3 ca liên tục không kể ngày đêm để dọn đất đá và cây cối đổ xuống mặt đường.

Cùng ngày, Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Khánh Hòa huy động hơn 500 đoàn viên, thanh niên ra quân thu gom rác, các cây lớn bị sóng đánh vào bờ biển trong những ngày qua, khu vực thực hiện kéo dài từ bãi biển Công viên Thanh Niên đến bãi biển trước nhà hàng Yến sào Khánh Hòa. Sau khi được thu gom, rác thải được Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang tiếp nhận xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đàm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa, cho biết đối với việc khắc phục, thông suốt tuyến ống nước D400, D500 ở cầu Hà Ra bị vỡ do sà lan bị lũ cuốn tông bể, đã hoàn thành lúc 15 giờ ngày 2-12. Công ty sẽ vận hành tuyến ống và cấp nước trở lại cho người dân phía Bắc TP Nha Trang. Theo đó, việc đấu nối tuyến ống tạm thời đã được lắp đặt chạy dọc hành lang cầu Hà Ra. 

Trước mắt phải bảo đảm an sinh

Trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại thôn Thạnh Hội, ông Phạm Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, nói qua điện thoại với ai đó như khẩn khoản: "Phải nhanh lên mới giúp được dân, chứ như thế này thì dịch bệnh dễ bùng phát lắm!".

Quay lại với chúng tôi, ông nói: "Trước hết phải bảo đảm an sinh, như nước uống, mì tôm cho người dân chứ giờ chẳng còn gì để ăn. Tôi cũng đã triển khai phải nhanh chóng tiêu độc, khử trùng các giếng nước, bảo đảm nguồn nước uống cũng như điện thắp sáng cho người dân".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo