Sáng 24-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã họp trực tuyến với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Đồng Nai: Kiểm soát chặt lưu thông
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt 4 (2 ca liên quan đến các ổ dịch ở TP HCM, 1 ca liên quan đến Đà Nẵng, 1 ca liên quan đến Bình Dương), 500 trường hợp F1; 2.000 trường hợp F2.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó khoảng 600.000 người làm việc trong các khu công nghiệp. Thời gian qua, tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp để bảo đảm an toàn dịch tễ trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ý thức rất cao trong công tác phòng chống dịch, thậm chí có mức cao hơn khuyến nghị của ngành y tế. Chính vì vậy, đến giờ này, tình hình Đồng Nai vẫn ổn định.
Hiện Đồng Nai đã chuẩn bị 20 khu cách ly tập trung với năng lực tiếp nhận khoảng 5.000 người; chuyển đổi công năng Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Đồng Nai có 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định năng lực đạt khoảng 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp/ngày.
Các y - bác sĩ Bệnh viện Gia An (TP HCM) tăng cường cho các đội tiêm vắc-xin Covid-19 ở Khu Công nghiệp Tân Bình Ảnh: GIA AN
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định với số lượng công nhân đông, nguy cơ lớn, thời gian qua, các lực lượng của Đồng Nai đã gồng mình chống dịch. Trước sức ép từ các địa phương lân cận, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ xuất hiện những ca bệnh xâm nhập, tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Y tế ưu tiên vắc-xin để địa phương tiêm cho công nhân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập địa bàn. Đồng Nai nằm sát TP HCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương… nếu để dịch xâm nhập sẽ cực kỳ khó khăn. Do đó, tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ người đi từ TP HCM, Bình Dương sang Đồng Nai và ngược lại".
Ông cũng nhấn mạnh việc kiểm soát chặt không phải là "ngăn sông cấm chợ", mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người di chuyển từ các địa phương có dịch, nhất là công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài, người đi áp tải hàng hóa… từ các địa phương có dịch đi ra phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển… Về vắc-xin Covid-19, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai tất cả giải pháp để bảo đảm nguồn vắc-xin phòng Covid-19, không chỉ riêng cho Đồng Nai hay một địa phương riêng lẻ nào mà chung cho cả nước. Vắc-xin về sẽ ưu tiên cho các khu vực sản xuất, để bảo vệ sản xuất - kinh doanh, thực hiện "mục tiêu kép".
TP HCM: Sẵn sàng 5.000 giường điều trị
Ngày 24-6, tại TP HCM, Bệnh viện (BV) huyện Bình Chánh đã được tạm thời chuyển đổi thành BV điều trị Covid-19 Bình Chánh với quy mô 500 giường, đáp ứng kế hoạch tăng số giường điều trị Covid-19 trên địa bàn TP khi số bệnh nhân mắc đã vượt qua 2.000 trường hợp. Ngoài 9 BV (tổng cộng 3.500 giường) đang tiếp nhận điều trị Covid-19 trên địa bàn TP, nay tạm chuyển đổi công năng của BV huyện Bình Chánh và BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (với quy mô 1.000 giường), nâng tổng số giường điều trị Covid-19 trên địa bàn TP lên 5.000 giường.
Các BV chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 trên địa bàn TP hiện nay là: (1) BV Dã chiến Củ Chi (300 giường); (2) BV Điều trị Covid-19 Củ Chi (500 giường); (3) BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường); (4) BV Điều trị Covid-19 Bình Chánh (500 giường); (5) BV Điều trị Covid-19 Thủ Đức (1.000 giường); (6) BV Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); (7) BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương (1.000 giường); (8) BV Nhi Đồng Thành phố (100 giường); (9) BV Nhi Đồng 2 (60 giường); (10) BV Bệnh nhiệt đới (400 giường); (11) BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).
Trong khi đó, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM phát thông báo kêu gọi người tình nguyện hỗ trợ tham gia vận chuyển phòng chống dịch Covid-19. TP HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 với quy mô lớn, tổ chức rất nhiều điểm tiêm cộng đồng không thuộc các cơ sở y tế. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng, kịp thời xử lý các tình huống phản vệ sau tiêm và đưa về BV an toàn cực kỳ quan trọng, do đó rất cần nguồn lực bảo đảm vận chuyển, nhất là xe cứu thương và tài xế là không thể thiếu. Theo BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, vì tính chất quan trọng nên trung tâm kêu gọi các đơn vị có chức năng vận chuyển người bệnh và cá nhân là tài xế cùng tham gia hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Sở Y tế cũng đã lên kịch bản xử lý an toàn trong quá trình tiêm vắc- xin tại tất cả các điểm tiêm chủng tại cộng đồng. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: Triển khai 22 kíp cấp cứu (1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm.
WHO hỗ trợ Việt Nam sản xuất vắc-xin
Chiều 24-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vắc-xin tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn. Đồng thời, đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc-xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc thực hiện "mục tiêu kép", nhất là với các biện pháp chủ động và sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình; cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ghi nhận các đề nghị của Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vắc-xin, cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin trong khu vực; khẳng định sẽ cử các chuyên gia WHO vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
T.Dũng
Đã điều trị khỏi 5.759 ca mắc Covid-19
Ngày 24-6, Bộ Y tế cho biết trong ngày Việt Nam ghi nhận thêm 285 ca mắc Covid-19 gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 279 ca ghi nhận trong nước tại TP HCM (162), Bình Dương (27), Bắc Giang (28), Bắc Ninh (7), Thái Bình (5), Đà Nẵng (20), Tiền Giang (9), Phú Yên (8), Nghệ An (5)... Trong số này có 260 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 14.232 ca mắc Covid-19 trong đó 12.506 ca ghi nhận trong nước và 1.726 ca nhập cảnh.
Hiện số ca Covid-19 được điều trị khỏi 5.759 ca. Số ca tử vong là 72 ca.
N.Dung
Bình luận (0)