Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với 2 lãnh đạo, 1 nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đồng nghĩa không dừng lại ở mức cảnh cáo, có thể nặng hơn vì ngoài thẩm quyền của UBKT Trung ương. Việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn.
Hiện Khánh Hòa có hàng chục dự án có dấu hiệu thất thoát ngân sách mà cơ quan trung ương đang làm rõ. Trong đó, có những dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) gây xôn xao dư luận như Trường Chính trị, Công trình giao thông bằng quỹ đất sân bay Nha Trang cũ…
Hiện khu đất Trường Chính trị Khánh Hòa cũ (tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang) đã hình thành dự án Nha Trang Center 2 (hiện là Gold Coast) với diện tích gần 7.400 m2; giá trị hợp đồng khoảng 123 tỉ đồng (thực tế chỉ quyết toán 114,8 tỉ đồng), không đủ để xây thêm khu ký túc xá cho cơ sở trường mới ở ngoại ô.
Khu "đất vàng" sân bay cũ Nha Trang được giao cho Công ty Phúc Sơn để làm dự án BT
Ngoài dự án này, việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 62 ha đất tại sân bay Nha Trang cũ cho Công ty CP Phúc Sơn cũng khiến dư luận bức xúc. Nhất là việc giao đất vào ngày 28-10-2016 nhưng hơn 1 năm sau mới ủy quyền cho các ban quản lý dự án của tỉnh ký hợp đồng với công ty này nhằm hoàn vốn cho 3 dự án giao thông. UBND tỉnh Khánh Hòa sử dụng hơn 20 ha trong sân bay (với tổng giá trị tạm tính hơn 3.261 tỉ đồng) để hoàn vốn. Đến nay, tỉnh vẫn chưa xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong khi đó, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.800 tỉ đồng, bao gồm 3 dự án BT và 2 dự án đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang).
Ông Phạm Văn Chi cho rằng việc khó khăn là khắc phục hậu quả từ các sai phạm. Nếu giao đất giá rẻ thì phải xem xét đất giá bao nhiêu, nhà đầu tư phải bù lại hoặc bằng phương pháp nào đó phù hợp với quy định.
"Nhẹ nhàng nhất là chủ đầu tư trả lại tiền với giá trị phù hợp, sát giá trị thực được thẩm định. Trả đủ số tiền gây thất thoát thì mới đưa vào kinh doanh. Kinh phí có thể do chủ đầu tư vay ngân hàng để trả rồi đưa dự án vào kinh doanh và trả dần. Chứ không thể nợ tiền ngân sách được" - ông Chi nêu quan điểm và cho biết chủ đầu tư không đồng ý thì việc khắc phục này lãnh đạo tỉnh phải chịu.
Phía chủ đầu tư các công trình BT chưa được xác định giá đất thì cho rằng họ đã ký các hợp đồng BT với tỉnh nên tỉnh phải có trách nhiệm; đồng thời cần sớm xác định giá trị đất nếu có sự chênh lệch lớn thì tỉnh phải thương lượng với nhà đầu tư. Một số dự án BT khác được đấu thầu công khai đúng theo pháp luật thì rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Lãnh đạo một công ty cho biết: "Bây giờ, trường hợp xấu nhất là phải đấu giá khu đất. Giá trị khu đất chắc chắn sẽ lớn hơn giá dự kiến ban đầu. Nếu chúng tôi không đủ kinh phí thì đành chấp nhận trả dự án và đề nghị tỉnh trả lại tiền đã đầu tư".
Một chuyên gia tài chính (đề nghị giấu tên) cho rằng nếu phải thu hồi tài sản gây thất thoát đã giao cho nhà đầu tư thì lấy ngân sách để trả lại tiền cho nhà đầu tư, trả cả dự án BT và cả công trình mà chủ đầu tư đã xây dựng. Để làm được điều này thì phải thuê kiểm toán độc lập. Trường hợp chưa xác định giá đất ở dự án BT mà đưa ra đấu giá đất sẽ rất khó khăn vì chủ đầu tư chắc chắn không đồng ý, hướng khắc phục sẽ rất nan giải.
Bình luận (0)