Chiều 5-3, tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức khánh thành dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.
Thể hiện tầm vóc, trí tuệ người Việt
Dự án này được triển khai xây dựng tại sông Cái Lớn và sông Cái Bé, thuộc địa bàn 2 huyện Châu Thành và An Biên, tỉnh Kiên Giang, gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với Quốc lộ 61. Dự án có tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 là hơn 3.300 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 - Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.
Trong đó, cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40 m và khoang âu thuyền rộng 15 m. Cống Cái Bé có tổng chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35 m và 1 khoang âu thuyền rộng 15 m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km; bề rộng mặt đê 9 m, chiều rộng phần xe chạy 7 m, bao gồm 3 cây cầu và 9 cống tròn, cống hộp.
Mục tiêu của dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt); tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho 384.000 ha đất tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với tuyến đê biển phía Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng, cải tạo đất phèn, kết hợp phát triển giao thông đường bộ...
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với tuyến đê biển phía Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng, cải tạo đất phèn... Ảnh: Văn Dương
Từ năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, ngay lập tức, hơn 300 hộ dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thực hiện công trình. Đặc biệt, trên 100 hộ dân đã hiến đất xây dựng hệ thống đê bao. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gọi đây là công trình của lòng dân.
"Ngoài nhiệm vụ điều tiết, kiểm soát nguồn nước, công trình này còn có ý nghĩa kỳ vĩ, thể hiện tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam. Để phát huy tối đa hiệu quả, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của dự án, song song với việc cải thiện sinh kế cho người dân. Đây thật sự là công trình thuận thiên có kiểm soát, tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều công trình có tầm vóc và ý nghĩa tại vùng ĐBSCL" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Cởi bỏ nút thắt cho nền nông nghiệp ĐBSCL
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu từ 16 năm trước, trong bối cảnh ĐBSCL chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong mùa khô năm 2016 và 2019, khu vực này hứng chịu nhiều đợt hạn mặn và thiệt hại rất nặng nề.
Tiếp thu ý kiến của nhiều nhà khoa học, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương và địa phương vùng bán đảo Cà Mau xác định việc xây dựng hệ thống thủy lợi trên sông Cái Lớn và sông Cái Bé sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề và cởi bỏ nút thắt cho nền nông nghiệp ĐBSCL. Trên cơ sở đó, dự án cống Cái Lớn - Cái Bé được khởi công vào tháng 11-2009 và hoàn thành năm 2021. Đến tháng 1-2022, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vận hành khai thác.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10, thông thường các công trình có quy mô như dự án này mất 40 - 48 tháng thi công. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách ứng phó hạn, mặn nên tiến độ công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được rút ngắn còn 20-24 tháng.
Phát biểu tại lễ khánh thành "siêu dự án" thủy lợi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tôi xúc động và vui mừng khi dự án này kịp khánh thành đầu năm 2022, bởi phải xây dựng trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Đây là công trình của ý Đảng, lòng dân, là trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã phấn đấu vượt qua và vươn lên".
Theo Thủ tướng, với công trình này, chúng ta đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ chống đỡ sang chủ động thích ứng, kiểm soát. "Phải mất 16 năm nghiên cứu và quyết tâm thực hiện, chúng ta mới có được công trình này. Vì vậy, phải khai thác sao cho có hiệu quả tối đa, nhất là phải tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân. Có thể kéo theo phát triển du lịch, nghiên cứu vật nuôi, cây trồng thích hợp khi chủ động kiểm soát được nguồn nước" - Thủ tướng nêu rõ.
Thay đổi tư duy làm thủy lợi
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé làm thay đổi tư duy và nhận thức đối với công tác thủy lợi khu vực ven biển ĐBSCL. Đó là từ tư duy "ngăn mặn" sang "kiểm soát nguồn nước". Đây là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp nhưng toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công đến quản lý đều do người Việt Nam thực hiện. Điều đó cho thấy người Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thủy lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới.
Bình luận (0)