UBND tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc hoàn chỉnh các thủ tục thu hồi dự án Nhà máy Xử lý rác thải Phú Quốc của Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu (viết tắt Công ty Toàn Cầu).
Nhiều lần gia hạn vẫn chậm tiến độ
Nhà máy Xử lý rác thải Phú Quốc do Công ty Toàn Cầu làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí khoảng 230 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 10 ha tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày.
Hai tháng sau khi đi vào hoạt động, tháng 12-2017, nhà máy lại xin tạm ngưng lấy rác xử lý do trục trặc về dây chuyền. Sau đó, nhà máy nâng cấp sửa chữa, đến tháng 7-2018 mới nhận rác trở lại.
Trong quá trình hoạt động thử nghiệm, nhà máy rác này đã bị người dân sống gần đó chặn đường không cho xe rác vào đổ. Nhà máy quá tải đến 300 tấn rác vì xử lý không kịp, mùi hôi nặng nề khiến dân phản ứng kịch liệt.
Tại bãi rác An Thới ở Phú Quốc, rác chất cao như núi
Ảnh: CÔNG TUẤN
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết UBND tỉnh và huyện Phú Quốc đã nhiều lần gia hạn, tạo điều kiện để nhà đầu tư khắc phục sự cố nhưng đến nay, nhà máy vẫn không hoạt động đúng với cam kết đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý rác thải trên đảo Phú Quốc.
Mỗi ngày, Phú Quốc có 155 tấn rác thải ra môi trường nhưng khối lượng thu gom chỉ đạt 50%. Tình trạng ô nhiễm rác thải đáng báo động. Vì thế, sau khi nhà máy rác bị yêu cầu thu hồi, người dân "đảo ngọc" càng thêm lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tương tự, tại Bạc Liêu, năm 2014, tỉnh đã cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên ANA Bạc Liêu xây dựng dự án Nhà máy Xử lý rác thải ANA với tổng mức đầu tư 360 tỉ đồng, xử lý 245 tấn rác/ngày. Thế nhưng, sau hơn 4 năm, dự án này vẫn án binh bất động nên đã bị thu hồi vào tháng 7-2018.
Trong khi đó, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được nhà máy xử lý rác lớn nhất ĐBSCL với vốn đầu tư 350 tỉ đồng nhưng cũng không xử lý dứt điểm tình trạng rác quá tải. Sau 6 năm hoạt động, Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau đã 2 lần ngưng hoạt động để bảo trì vì hư hỏng thiết bị dẫn đến lượng rác tồn đọng lớn không xử lý kịp, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất cho nhà máy tạm ngưng hoạt động 3 tháng để bảo trì, sửa chữa.
Công nghệ mới cho rác
Tình trạng khủng hoảng rác thải xảy ra tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bạc Liêu, Phú Quốc… hiện nay chính là vấn đề mà thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phải đối mặt hàng chục năm trước.
Bãi rác Hòn Rọ nằm ở thôn Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa từng là nỗi bức xúc của người dân vì xử lý sơ sài, nước rỉ chảy tràn lan, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân đã chặn xe, không cho đưa rác lên đây. Năm 2015, chính quyền đã xây dựng và đưa vào hoạt động bãi rác Hòn Rọ mới. Song, một lần nữa, vào cuối tháng 2-2017, người dân tiếp tục phát hiện nước rỉ rác chảy ra môi trường. Quá bức xúc, người dân đã giữ 3 xe rác nhiều ngày để gây áp lực.
Hồ chứa rác Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)
Ảnh: KỲ NAM
Trước tình trạng đó, Công ty CP Môi trường Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Khi nhà máy chạy thử, người dân đã căng băng-rôn, khẩu ngữ, chửi bới, ném chất bẩn vào lực lượng bảo vệ và công nhân đang thi công, chặn Quốc lộ 1 gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phải chủ trì buổi đối thoại với người dân. Ông hứa khắc phục bãi rác, tăng độ dày của bạt chống thấm, tăng cường xử lý nước rỉ lên 60 m3/giờ; giao thanh tra tỉnh kiểm tra dự án xây dựng bãi rác Hòn Rọ.
Đến tháng 10-2017, bãi rác Hòn Rọ đã hoàn toàn được khắc phục. Đến nay, quanh bãi rác rộng hơn 4 ha không còn mùi hôi. Hồ xử lý nước rỉ rác xây mới, rộng gần 5.600 m2, sâu 6 m, bốn bề phủ kín bằng vật liệu HDPE. Toàn bộ quá trình xử lý rác cũng như nước rỉ đều nằm trong chu trình khép kín.
Ngày 23-8, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại cũng đã đi vào hoạt động. Nhiều người dân đã được nhà máy nhận vào làm công nhân. Thị xã hợp đồng với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu giám sát tần suất 3 tháng/lần. Mới đây, ngày 2-8, kết quả kiểm tra cho thấy các thông số đều trong giới hạn an toàn cao.
Trong khi đó, TP Cần Thơ và tỉnh Ninh Thuận lại có cách xử lý rác khá đặc biệt: biến rác thành điện năng hoặc tái chế các sản phẩm có thể sử dụng được. TP Cần Thơ đã triển khai dự án nhà máy đốt rác phát điện đặt tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai giữa năm 2017. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, tổng kinh phí 47 triệu USD (khoảng 1.050 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành, mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và tạo ra 150.000 KWh điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia. Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% được tái sử dụng, chế tạo gạch xây dựng...
"Nhà máy đốt rác phát điện đốt khoảng 400 tấn rác/ngày, 250 tấn rác còn lại sẽ được đưa về các quận, huyện để đốt" - một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Còn tại Ninh Thuận, từ năm 2003, UBND tỉnh đã quyết định cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nam Thành đầu tư nhà máy xử lý rác thải ở huyện Thuận Bắc. Ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty Nam Thành, cho biết đơn vị có 6 phân xưởng xử lý rác với tổng công suất xấp xỉ 300 tấn/ngày. Trong khi đó, lượng rác thải toàn tỉnh Ninh Thuận lúc nhiều nhất cũng chỉ khoảng 250 tấn/ngày.
Do rác thải sinh hoạt được thu gom không gây độc hại nên công ty đã tái chế thành nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất, đời sống như: phân bón hữu cơ vi sinh, hạt nhựa, phôi nhựa, gạch cao su lót nền…
Bình luận (0)