Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM thông qua ứng dụng cảnh báo ngập UDI Maps, trong cơn mưa ngày 25-5 có tổng cộng 14 điểm ngập trong và sau mưa, trong đó có 10 tuyến đường ngập kéo dài nhiều giờ, cuộc sống theo đó đảo lộn hoàn toàn.
Đua nhau kiến nghị
Trưa 27-5, gặp chúng tôi sau 2 ngày canh nước đổ vào nhà, ông Lưu Kim Long (ngụ đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM) nói cơn mưa ngày 25-5, gia đình ông thiệt hại không dưới chục triệu đồng do cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa 2 ngày để chống ngập và giải quyết hậu quả do nước tràn vào nhà gây ra. "Ở đây, khi đường ngập, dù có che chắn đến mức nào thì nhà cửa cũng đầy rác và nước bởi mỗi khi xe khách, xe buýt... chạy ngang qua là y như rằng rác, chất thải bị đẩy hết vào trong nhà" - ông Long nói. Theo ông, khổ hơn là hễ cứ mưa là vợ con ông phải chuyển đến nhà người thân ở nhờ. "Rõ là sức người chịu thua sức nước. Tôi mong chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp cụ thể để người dân chúng tôi không còn sống chung với cảnh ngập nước, thiệt hại đủ bề" - ông Long mong mỏi.
Sau cơn mưa ngày 25-5, nhiều người ở đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức, TP HCM) phải xây tường chắn nước thay vì dùng miếng nhựa hay bao cát như trước đây Ảnh: SỸ HƯNG
Gần 1 ngày sau cơn mưa lớn, trưa 26-5, chị Nguyễn Thị Linh, chủ quán cơm 379 đường Song hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TP HCM) vẫn phải nghỉ bán để dọn dẹp, lau lại bàn ghế. Chị Linh ngán ngẩm nói hễ mưa lớn là nước tràn vào nhà dù đã tìm mọi cách che chắn. Theo chị, khu vực ngập nặng nhất thuộc xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, kéo dài gần 1 km, ngập sâu 30-50 cm, mọi hoạt động sinh hoạt, mua bán phải đình trệ. "Hôm 25-5, nhìn nồi cơm và hàng đống món ăn thừa mà bản thân tôi không khỏi rơi nước mắt" - chị Linh chia sẻ và mong các cơ quan chức năng sớm giải cứu ngập nơi đây.
Đến đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TP HCM) vào trưa 26-5, một trong những tuyến đường ngập sâu trong cơn mưa lớn ngày 25-5, chúng tôi ghi nhận một số đoạn ngập sâu nhất vẫn còn nước đọng lại bên mép đường. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, nhà số 59/1 Phạm Văn Chiêu, cho biết do nhà chị nằm ngay đoạn trũng nên mưa lớn nước đổ dồn về đây hết, gây ngập sâu từ 30-50 cm và kéo dài trong 2 giờ. Nước bẩn tràn vào tận nhà, may là phía sau nhà còn đất trống nên thoát được. Theo chị Linh, đường Phạm Văn Chiêu có đoạn ngập nhưng cũng có đoạn không; những đoạn ngập sâu chủ yếu do đường trũng, nước đổ dồn về, thoát không kịp. Tương tự, đoạn dài 600 m qua khu vực chợ tạm Thạch Đà trên đường Phạm Văn Chiêu cũng được người dân gọi là "rốn ngập". Vẫn còn mệt mỏi vì phải dọn dẹp liên tục 2 ngày nay, chị Nguyễn Thị Thanh, chủ quán tạp hóa nhỏ gần chợ Thạch Đà, bức xúc nói: Đoạn này hễ mưa lớn là ngập gần 50 cm, nước tràn vào tận nhà, nếu không kịp dọn thì có khi hàng hóa hư hỏng hết. Năm ngoái, chính quyền lắp thêm hệ thống cống phụ giữa đường nhưng không ăn thua, mưa lớn nước từ cống phụ thoát không kịp, trào ngược lên mang theo dầu mỡ rất bẩn!
Cách đó không xa, đường Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ) dài gần 2 km nối với Phạm Văn Chiêu và Lê Văn Thọ (thuộc phường 8 và 9, quận Gò Vấp) cũng chung số phận ngập sâu gần 40 cm, kéo dài gần 1 giờ. "Để người dân không phải lội bì bõm trong mưa, hàng quán không phải án binh bất động khi nước ngập, sinh hoạt không bị xáo trộn, chúng tôi mong các sở, ngành nghiên cứu thay đổi hệ thống cống thoát nước đường kính lớn hơn, ngoài ra nâng cấp một số đoạn đường trũng để tránh "nước dồn về một chỗ" gây ngập nặng" - ông Trần Văn Sơn, nhà trên đường Lê Đức Thọ, đề xuất.
Sẽ khởi công hàng loạt dự án
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, thừa nhận hiện trạng thoát nước của quận Gò Vấp nói chung và lưu vực Công viên Làng Hoa, đường Nguyễn Văn Khối, đường Lê Văn Thọ, đường Phan Huy Ích đã xuống cấp và quy mô của hệ thống thoát nước không còn đáp ứng được về tiêu thoát nước cho khu vực trên. Theo đó, độ sâu ngập trung bình từ 30-50 cm tùy vị trí, trong đó ngập nặng nhất là khu vực từ Bùi Quang Là đến Nguyễn Tư Giản.
Để giải quyết bài toán ngập căn cơ cho những khu vực này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết Sở Xây dựng đã phê duyệt các dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước cho đường Nguyễn Văn Khối, để thay mới các tuyến cống từ đường kính D600-800 lên D1.200. Riêng Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phan Huy Ích (từ đường Bùi Quang Là đến Quang Trung và từ Bùi Quang Là đến Kênh Hy Vọng thuộc địa bàn quận Gò Vấp và Tân Bình) đã được UBND TP giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách thành phố và đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, sẽ lắp cống hộp đường kính D2.500 thay thế cống hiện hữu. Tuy nhiên, dự án này cũng chưa được bố trí vốn để thực hiện. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, để việc thoát nước cho khu vực thông suốt thì còn cần sự đầu tư, chỉnh trang đồng bộ hệ thống cống trong các tuyến hẻm, đường nhánh của các địa phương.
Đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP HCM) ngập sâu trong cơn mưa ngày 25-5 Ảnh: SỸ HƯNG
Ngoài các dự án chống ngập cho quận Gò Vấp và Tân Bình, Sở Xây dựng TP cho hay sở này đã kiến nghị UBND TP từ đây đến cuối năm 2021 sẽ khởi công 11 dự án chống ngập để hoàn thành trước năm 2025. Theo đó, TP Thủ Đức có 3 dự án lớn sẽ được khởi công, gồm: dự án lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường với tổng vốn 120 tỉ đồng cho đường số 8 (phường Phước Bình); dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường cho đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế) với tổng mức đầu tư lên đến 300 tỉ đồng; dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (đoạn từ đường Lê Văn Việt đến đường 102) với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỉ đồng.
Tại quận 11 cũng triển khai 2 dự chống ngập ở đường Hàn Hải Nguyên (từ đường Minh Phụng đến đường 3 Tháng 2) và dự án rạch Đầm Sen (từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa) với tổng số vốn hơn 100 tỉ đồng. Ở quận 6 cũng khởi công dự án chống ngập cho đường Lý Chiêu Hoàng (đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường Phan Chu Trinh) vốn khoảng 100 tỉ đồng. Riêng quận 5 sẽ khởi công dự án lắp đặt cống hộp, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường trên đường Triệu Quang Phục (đoạn từ đường Hồng Bàng đến đường Hải Thượng Lãn Ông).
Ngoài ra, quận 12 có dự án chống ngập cho đường Tô Ký (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Trung Mỹ Tây); huyện Nhà Bè sẽ triển khai dự án chống ngập trên đường Nhơn Đức - Phước Lộc (đoạn từ đường Lê Văn Lương đến đường Đào Sư Tích); huyện Hóc Môn có dự án chống ngập cho đường Dương Công Khi (đoạn từ Quốc lộ 22 đến cây xăng dầu COMECO)...
Chợ Thủ Đức ngập sâu nhưng thoát nhanh
Theo ông Phạm Văn Tước (nhà sát bên cạnh chợ Thủ Đức) cho hay cứ hễ mưa lớn là khu vực chợ Thủ Đức lập tức biến... thành sông. Nước ngập tứ bề, không xe cộ nào có thể vượt qua được. "Ngập ở khu vực chợ Thủ Đức ai nhìn cũng ớn nhưng được cái nước ngập nhanh và rút đi cũng nhanh nên không gây thiệt hại lớn về tài sản đối với các hộ kinh doanh" - ông Tước nói.
Cứ mưa lớn là tiểu thương chợ Thủ Đức đóng cửa hàng, đứng chờ nước rút Ảnh: SỸ HƯNG
Theo ông Bùi Ngươn Tình, Chủ tịch UBND phường Bình Thọ (TP Thủ Đức, TP HCM), do khu vực chợ Thủ Đức trũng nên khi trời mưa nước từ nơi khác đổ về gây ngập nặng. Tuy nhiên, khi hết mưa nước cũng rút đi rất nhanh, không gây ngập cục bộ. Mưa lớn gây ngập khiến công việc buôn bán, kinh doanh của người dân trong chợ gặp khó khăn. "UBND phường đã nhận được nhiều ý kiến và đang lên phương án để khắc phục tình trạng ngập nơi đây. Về lâu dài, UBND TP Thủ Đức đã có kế hoạch chống ngập ở khu vực chợ Thủ Đức và dự kiến dự án sẽ sớm được triển khai" - chủ tịch UBND phường Bình Thọ thông tin.
Bình luận (0)