Sáng 20-11, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng, với chủ đề "Phát triển xanh - hài hòa - bền vững". Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, cùng đông đảo giới chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 6-10-2022. Để triển khai nghị quyết này, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động, ban hành theo Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15-11-2022.
Trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hội nghị lần này nhằm xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải Trung Bộ. Qua đó, tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế mang tính đột phá. Mặt khác, hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, bảo đảm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Tham luận tại hội nghị của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp thể hiện quyết tâm thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 23-NQ/TW, cũng như khát vọng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh vùng Tây Nguyên
Phải tự lực, tự cường để đi lên
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là vùng "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ.
Theo Thủ tướng, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản: đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa; tài nguyên rừng phong phú, đa dạng sinh học cao. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; văn hóa dân tộc bản địa đặc sắc, đa dạng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá tạo cho Tây Nguyên nhiều tiềm năng phát triển du lịch…
Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, kinh tế phát triển chưa ổn định, bền vững; quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước; cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức… Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đều chưa tự cân đối được ngân sách; huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược.
Từ thực tiễn trên, Thủ tướng cho rằng phải phát triển "đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững" Tây Nguyên. "Phát triển Tây Nguyên phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động của mình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức tập trung phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững.
Ghi nhớ đầu tư hơn 5 tỉ USD và 25.000 tỉ đồng
Tại sự kiện xúc tiến đầu tư vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng trị giá hơn 5 tỉ USD và 25.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành với Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Bình luận (0)