Một phần nhỏ những tấm gương vượt khó đã được phát hiện, chọn lên sóng truyền hình qua chương trình "Người bí ẩn". Ở đó, những võ sĩ một chân, vũ công hip hop tật nguyền cũng như bao tài năng bất hạnh khác luôn bày tỏ khát khao cháy bỏng sống được với cái nghề mà họ đã chọn. Nhưng có lẽ, cuộc đời của họ không bao giờ bằng phẳng…
Niềm vui vài giờ trống canh
Ít ai biết từ ngày được nổi tiếng hơn qua chương trình "Người bí ẩn", võ sư một chân Tạ Anh Dũng cũng chuốc thêm nhiều phiền phức. Ông kể sau chương trình này, ông nhận được khá nhiều lời mời đi biểu diễn. Có sự kiện ông được hứa nhận giải thưởng lên đến 800 triệu đồng. Vì "chút lòng tham" như lời ông nói và vì muốn có những tấm thảm, dụng cụ tập võ cho học trò mà ông nhận lời. Rồi ông chi cả chục triệu đồng sắm đồ mới, binh khí mới để đi thi. Tiếc là khi lên trình diễn, có vị giám khảo không dám nhìn, có người lại khen hay nhưng nói "bạo lực quá, không hợp với chương trình", thế là ông ra về tay trắng.
Cũng có chương trình ông được đề nghị biểu diễn chung với học trò. Bầu đoàn thê tử mất mấy ngày chuẩn bị rồi kéo nhau đi. Kết cục là ông và học trò chỉ được trả thù lao 1 triệu đồng. Ông bảo những lời mời tham gia thi đấu, biểu diễn chỉ là "niềm vui vài giờ trống canh". Với ông, tham gia các sự kiện là cách tốt nhất để quảng bá võ thuật cổ truyền, môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn mà cả đời ông theo đuổi, cũng là cách để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và lo cho lò võ. Nhưng phía sau một số sự kiện là những trò mua vui mà người ta bày ra. "Giờ nếu ai tử tế, trả thù lao tương xứng thì tôi tham gia, còn không thì thôi. Cuộc đời mình đã khổ, có nhịn đói 1-2 ngày cũng chả sao" - ông nói.
Ca sĩ nam hát giọng nữ Khánh Bình vất vả với nghề ca hát. Ảnh: TƯ LIỆU
Giống như Khánh Bình bây giờ, anh cũng chẳng mong trở thành ca sĩ ngôi sao mà chỉ nhắm ước "đủ vốn để mở một tiệm phở". Dù vậy, điều ai cũng có thể nhận ra, Khánh Bình không còn là một giọng ca lạ nữa, nhất là khi một người như anh chẳng đủ kinh nghiệm để có thể khai thác chất giọng của mình theo chiều hướng chuyên nghiệp. Anh mải miết tận dụng biệt tài của mình trên khắp các sân khấu và có lúc, khán giả sẽ ngán nhất là khi những giọng ca có thể hát cả hai giọng nam - nữ xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí trong các chương trình truyền hình.
Góc khuất người bí ẩn
Khán giả thực sự cảm kích khi nghệ sĩ Việt Hương, Hoài Linh, Trấn Thành thường gửi tặng một ít kinh phí cho những trường hợp "người bí ẩn" chinh phục được họ. Diễn viên Lý Hùng, nghệ sĩ Việt Hương không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh của võ sư Tạ Anh Dũng nên mỗi người tặng ông 10 triệu đồng để khích lệ. Nghệ sĩ Trấn Thành chia sẻ: "Đi quay những chương trình này, không ít lần chúng tôi không thể cầm được nước mắt dù biết hình ảnh ấy lên sóng cũng có thể nhận phải những ý kiến trái chiều. Nhưng kệ, vì cuộc sống của họ quá đặc biệt. Đấy là lý do mà tôi và nhiều anh em đồng nghiệp tặng thêm cho họ, như một sự chia sẻ, động viên".
Kỳ Anh sau khi biễu diễn tiết mục cho xe máy chở 5 người cán qua người trong chương trình "Người bí ẩn" năm 2015
Thực tế, thật khó để đòi hỏi những vị giám khảo này tiếp bước cùng các nhân vật đặc biệt như kể trên. Như cậu bé Huỳnh Kỳ Anh theo cha làm nghề xiếc, rong ruổi khắp nơi với tiết mục biểu diễn cho xe máy chở 5 người cán qua người. Thương con chọn cái nghề nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình Kỳ Anh cũng chẳng biết xoay trở thế nào. Nghệ sĩ Việt Hương, Hoài Linh và ca sĩ Nhật Kim Anh vì quá xúc động khi xem Kỳ Anh biểu diễn, mỗi người đã tặng cho em 10 triệu đồng để góp vốn cho em làm nghề khác. Cùng với lời động viên của những người làm chương trình, gia đình Kỳ Anh hy vọng về cánh cửa mới mở ra trước mắt cho con.
VĐV khuyết tật 2 chân Lê Văn Công cũng là tấm gương nỗ lực vượt khó đáng khâm phục mà sau những lần biễu diễn là những nỗi lo chồng chất do cuộc sống khó khăn. Anh là đại diện Việt Nam đoạt huy chương vàng Paralympics tại Brazil năm 2016. Khi xem tiết mục nâng 140 kg tạ của anh, biết hoàn cảnh của anh, 2 ca sĩ Ngô Kiến Huy và Diệu Nhi đã gửi tặng anh chiếc xe lăn mới.
Dù nhiều hay ít, tất cả các nghệ sĩ chứng kiến những tiết mục biểu diễn của những tài năng bất hạnh đã có sự chia sẻ. Nhưng những hỗ trợ đó chỉ giúp họ giải quyết khó khăn nhất thời. So với mơ ước "được hỗ trợ một nơi tập luyện che mưa che nắng" của võ sư Tạ Anh Dũng; được đi học ảo thuật của Huỳnh Kỳ Anh; được quảng bá văn hóa truyền thống cho khán giả trẻ của kỷ lục gia đàn môi Đặng Văn Khai Nguyên; được cống hiến công sức cho Việt Nam ở các đấu trường muay Thái của nữ võ sĩ vô địch thế giớ muay Thái Nguyễn Thị Thanh Trúc… thì những sự hỗ trợ đó cũng quá bé nhỏ. Những lời hứa về một dự án xây dựng nơi biểu diễn riêng để những tài năng hội ngộ, có đất diễn của những người tham gia chương trình vì nhiều lý do không thể thực hiện được.
Từ chương trình "Người bí ẩn" đến cuộc sống đời thường cũng như thế, đâu đó vẫn còn rất nhiều những tấm gương vượt khó vẫn phải tự nỗ lực vượt qua số phận với bao khát vọng được cống hiến tài năng và ước mơ đổi vận.
Bỏ diễn xiếc, mơ ảo thuật
Sau 4 năm lên sóng chương trình "Người bí ẩn", cậu bé Kỳ Anh nay là một chàng thanh niên. Ông Huỳnh Văn Thân, bố của Kỳ Anh, cho biết Kỳ Anh đã nhập ngũ, sau này gia đình sẽ cố gắng để lo cho con nghề nghiệp ổn định. Còn với Kỳ Anh, dù không diễn xiếc nguy hiểm nữa nhưng em vẫn ước mơ đứng trên sân khấu, trở thành nghệ sĩ ảo thuật để theo cha đi đó đây biểu diễn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Bình luận (0)