Gần nửa thế kỷ qua, TP HCM đã thực hiện sứ mệnh ấy ra sao, đang hướng tới những mục tiêu gì, với những cơ hội và thách thức gì trong thời đại công nghệ 4.0, kỷ nguyên số và cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt giữa các quốc gia?
Đô thị đặc biệt, đầu tàu và động lực phát triển
Trong 46 năm qua, đã có 3 nghị quyết của Bộ Chính trị về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của TP HCM đối với cả nước. Nghị quyết 01-NQ/TW (tháng 9-1982) xác định TP HCM là một "trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch", "có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội". 20 năm sau, Nghị quyết 20-NQ/TW (tháng 11-2002) đã nêu TP HCM là một "đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước". 10 năm sau nữa, Nghị quyết 16-NQ/TW (tháng 8-2012) đã định nghĩa phong phú và toàn diện hơn: TP HCM là một "đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".
Vai trò đầu tàu và động lực phát triển chính là đóng góp lớn nhất của nhân dân TP vào công cuộc "vượt vũ môn" của đất nước, từ một nền kinh tế bao cấp, đóng cửa, chậm phát triển, vươn lên thoát đói nghèo, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, GDP bình quân đầu người đạt mức trung bình, đứng thứ tư về quy mô kinh tế ở ASEAN. Thành tích này của TP HCM được minh chứng bằng những con số biết nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (giữa) cùng đoàn chuyên gia đi khảo sát thực tế tại huyện Cần Giờ ngày 24-4-2021 Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động của cả nước nhưng TP HCM tạo ra giá trị gia tăng trên 1 cây số vuông gấp 27 lần so với bình quân cả nước trong giai đoạn 1996-2000, gấp 31 lần trong giai đoạn 2001-2010 và gấp 35 lần trong giai đoạn 2011-2019. Trong giai đoạn 1996-2000, TP HCM đóng góp 17%, giai đoạn 2001-2010 tăng lên 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm hơn 22% GDP cả nước. Sở dĩ có được động lực này là vì năng suất lao động của TP cao hơn bình quân cả nước - gấp 2,7 lần.
Trong nhiều thập kỷ, TP HCM luôn dẫn đầu trong việc đóng góp vào ngân sách trung ương. Thu ngân sách của TP bằng tổng thu ngân sách của 55 tỉnh, thành khác. Giai đoạn 2001-2010, TP đóng góp khoảng 26,5% ngân sách, giai đoạn 2011-2019 đóng góp 27,5% ngân sách cả nước. TP là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỉ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước. Xuất khẩu của TP đóng góp trên 55% vào tổng xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, từ hơn 10 năm qua, TP HCM đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mà tự mình không thể giải quyết dứt điểm. Tỉ lệ thu hút vốn FDI của TP tăng rất ít kể từ năm 2011. Đóng góp của TP cho xuất khẩu cả nước từ 56,5% năm 2000, chỉ còn 15,1% năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP giai đoạn 2001-2010 bằng 1,6 lần cả nước thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ còn 1,2 lần. Tỉ trọng đóng góp nguồn thu cho ngân sách cả nước từ 28,9% năm 2009 còn 26,1% năm 2019.
Chất lượng sống của người dân TP có chiều hướng giảm. Do dân số tăng khoảng 1 triệu hằng năm, đã có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn. Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí và nguồn nước ngày càng tăng; diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn cả nước; bệnh viện, trường học quá tải rất nặng.
Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao. Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 904.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 438.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách. Tình trạng thiếu vốn dẫn đến TP không có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng giao thông trong nhiều dự án quan trọng. Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp đột phá thì phải mất 50 năm nữa TP mới xây dựng đủ đường giao thông.
Giải pháp "vì cả nước, cùng cả nước"
Mục tiêu giữa thế kỷ của TP HCM được lượng hóa cụ thể bởi Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của TP. Nói vắn tắt, đến năm 2025, TP sẽ trở thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD; đến năm 2030 là đô thị đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại - khoa học - công nghệ - văn hóa của khu vực Đông Nam Á, GRPD bình quân đầu người khoảng 13.000 USD; đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế - tài chính của châu Á, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Có thể nói việc đạt được các mục tiêu phát triển của TP HCM là điều kiện để đạt được mục tiêu chung của cả nước. Vì vậy, phải có những giải pháp vừa dài hạn vừa đột phá, bắt kịp sự phát triển của thời đại và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Những giải pháp đó đã được đề ra và thông qua bởi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP HCM.
Tất nhiên, những giải pháp đó phải dựa trước hết vào nguồn lực và nỗ lực của chính quyền và hơn 10 triệu dân TP nhưng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ của trung ương về điều kiện pháp lý và vật chất.
Về pháp lý, sự hỗ trợ đó là các Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức.
Về vật chất, TP đã xây dựng và trình trung ương Đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030", theo đó tỉ lệ ngân sách giữ lại cho TP là 23% cho giai đoạn 2022-2025 và 26% cho giai đoạn 2026-2030.
Theo nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, đề án thực hiện theo Nghị quyết 16-NQ/TW. Năng suất lao động của TP HCM cao gấp 2,7 lần cả nước và hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TP cũng rất cao, một đồng chi ngân sách của TP HCM có thể tạo ra 9 lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội. Do đó, khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng thêm 1,41% và tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng, tương đương 1,7 tỉ USD. Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng thêm 3% và tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỉ USD.
Đề án trên đây là sản phẩm của trí tuệ tập thể, dựa trên quy luật khách quan, trên cơ sở những tri thức khoa học - công nghệ của thời đại và kinh nghiệm xây dựng đất nước trong gần nửa thế kỷ qua. Có thể thấy rõ đề án thấm nhuần truyền thống "vì cả nước, cùng cả nước" của nhân dân TP HCM, là một trong những "điều kiện cần và đủ" để TP đạt được những mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045 đầy khát vọng của toàn dân tộc và của chính mình.
Phân bổ ngân sách chưa hợp lý
Có thể nói việc phân bổ vốn ngân sách từ trung ương cho TP HCM chưa hợp lý. TP đóng góp cho ngân sách trung ương cao nhất nước nhưng tỉ lệ điều tiết cho TP lại ở mức thấp nhất.
Theo con số được công bố, năm 2019, trong 16 tỉnh, thành có đóng góp cho ngân sách, Hải Dương được giữ lại 98%, Cần Thơ 91%, Hải Phòng 78%, Đà Nẵng 68%, Quảng Ninh 65%, Bà Rịa - Vũng Tàu 64%, Vĩnh Phúc 53%, Hà Nội 35%,
TP HCM 18%. Những tỉnh, thành còn lại được giữ lại 100%, thậm chí được trung ương cấp thêm ngân sách.
Bình luận (0)