Ðường Vành đai 3 và 4 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011. Ðây là tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, đến nay vẫn chưa có tuyến đường nào hoàn thành.
Tận dụng tối đa PPP cùng khai thác quỹ đất
Trong văn bản của Chính phủ vừa gửi các bộ, ngành liên quan và các địa phương có 2 tuyến đường Vành đai 3 và 4 đi qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP. Trong đó, lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật.
Về phía UBND các địa phương, phải khẩn trương chỉ đạo đơn vị đầu mối làm việc với Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án thành phần để chủ trì triển khai thực hiện (UBND các địa phương chủ trì quản lý đầu tư dự án hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP) theo đúng quy định của pháp luật; trong quá trình triển khai đầu tư, lưu ý triển khai đồng thời các dự án đường Vành đai 3 và 4 theo điều kiện của từng địa phương, sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.
Phó Thủ tướng Thường trực còn giao các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, GTVT nghiên cứu, xử lý phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để các địa phương triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ quỹ BHXH, phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (hoặc trái phiếu Chính phủ theo hình thức cho các địa phương vay lại) và các nguồn vốn khác để UBND các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án tuyến đường vành đai theo quy định của pháp luật.
"Bộ GTVT thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3, 4; tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần, định kỳ 6 tháng báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, chỉ đạo. Trong đó, nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo chung do một lãnh đạo Bộ GTVT làm trưởng ban chỉ đạo, cùng với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan để điều phối chung triển khai đầu tư xây dựng các tuyến vành đai nêu trên" - văn bản của Chính phủ nêu rõ.
Ðoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc đường Vành đai 3 đã khai thác, đang được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư bổ sung để hoàn thiện thành đường cao tốc. Ảnh: XUÂN GIANG
Phân chia cụ thể từng đầu việc
Nói cụ thể về cách thức triển khai 2 dự án trên, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh về chủ trương triển khai thực hiện 2 tuyến đường Vành đai 3 và 4, Chính phủ đã giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần theo phương thức đầu tư PPP để thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa. Theo đó, các địa phương sẽ thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai. Bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. "Về mặt pháp lý, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án" - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian chờ nghị quyết của Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố cần có văn bản trình HÐND tỉnh, thành phố để xin nghị quyết chấp thuận giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Sau khi có nghị quyết của HÐND thì UBND tỉnh, thành phố ký văn bản gửi Chính phủ và Bộ GTVT để Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ra quyết định giao cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về việc phân chia phạm vi các dự án thành phần, Bộ GTVT cho hay bộ này đã có văn bản gửi các địa phương về dự kiến phân chia. Cụ thể, đối với đường Vành đai 3, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch gồm 4 dự án thành phần, Bộ GTVT sẽ tiếp tục là cơ quan triển khai thực hiện đầu tư dự án thành phần 1A bằng nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Ðồng Nai sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Ðối với dự án thành phần 2A trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai sẽ giao cho UBND tỉnh Ðồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Thực hiện ghép dự án thành phần 1B và 2B, bao gồm cả phần nút giao Tân Vạn và giao cho UBND TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng đoạn nhánh nối với Quốc lộ 1, Bộ GTVT đề nghị UBND TP HCM triển khai thành dự án độc lập do trong quy hoạch đường Vành đai 3 không có nhánh này.
Kế tiếp, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16,3 km hiện đã khai thác với quy mô 6 làn xe, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư bổ sung để hoàn thiện thành đường cao tốc nhằm thông toàn tuyến đường Vành đai 3. Ðối với đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, Bộ GTVT đề xuất UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn Bình Chuẩn - cầu Bình Gởi (bao gồm cả cầu vượt sông Sài Gòn); phân đoạn từ cầu Bình Gởi đến Quốc lộ 22, giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ðoạn cuối tuyến, Quốc lộ 22 - Bến Lức, giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn Quốc lộ 22 - kênh Thầy Thuốc (bao gồm cả cầu vượt kênh Thầy Thuốc). Phân đoạn kênh Thầy Thuốc - Bến Lức giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với đường Vành đai 4, Bộ GTVT đề xuất giao các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn. Cụ thể, UBND TP HCM được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần; các tỉnh: Ðồng Nai, Bình Dương và Long An, mỗi địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 2 dự án thành phần và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 1 dự án thành phần.
Nói về kế hoạch trên, đa số địa phương có đường Vành đai 3 và 4 đi qua nhận định là khá cụ thể và địa phương sẽ sớm tiến hành các thủ tục để thực hiện theo kế hoạch để nhanh chóng. Ðơn cử, UBND tỉnh Ðồng Nai cho hay đối với dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3, Ðồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn hơn 650 tỉ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Riêng đối với dự án 2A, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn cơ chế để có nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Còn đối với dự án đường Vành đai 4, Ðồng Nai sẽ thực hiện theo chủ trương chung.
Bình luận (0)