Kể từ khi tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương nối Sài Gòn - Mỹ Tho ngừng hoạt động đã gần 3/4 thế kỷ, đường sắt vẫn là phương thức giao thông duy nhất còn vắng bóng ở miền Tây. Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ được triển khai, chạy qua 5 tỉnh, thành phố sẽ là cầu nối phát triển liên vùng ĐBSCL - TP HCM và miền Đông Nam Bộ.
Các điểm nghẽn gây ách tắc giao thông đã xuất hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng việc đi lại của người dân. Hàng hóa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên TP HCM cũng đang quá tải trên các tuyến đường bộ lẫn đường thủy, trong khi chưa có nhiều tuyến bay kết nối TP HCM với các tỉnh đồng bằng. Việc hình thành tuyến đường sắt mới sẽ mở đường cho phát triển giao thông liên vùng hoàn chỉnh với đầy đủ các phương thức giao thông. Nó cũng là tiền đề quan trọng để đầu tư giai đoạn 2, nối tuyến đường sắt Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch.
Không chỉ giải bài toán giao thông, dự án này chắc chắn còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch mạnh mẽ và có ý nghĩa quan trọng bảo vệ môi trường. Các địa phương trên tuyến đường sắt có thể khai thác quỹ đất ở các ga để có nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mở ra không gian phát triển các đô thị, khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đây là dự án thân thiện với môi trường, tàu chạy trên tuyến đường sắt này là tàu điện. Đường sắt TP HCM - Cần Thơ được đầu tư xây dựng sẽ là một hình mẫu mới kết hợp phát triển giao thông với năng lượng sạch thông qua việc đầu tư 7 nhà máy điện sử dụng rác đốt ở 7 nhà ga trên tuyến và 2 nhà máy điện mặt trời ở ga đầu là Tân Kiên (TP HCM) và ga cuối ở Cái Cui (Cần Thơ).
Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27-8-2013 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP HCM - Cần Thơ, xác định căn cứ pháp lý, dự kiến các nguồn vốn đầu tư từ vay ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước, vốn của doanh nghiệp và tư nhân, mở ra nhiều khả năng huy động các vốn khác nhau cho công trình này khi triển khai trong thực tế. Cơ sở khoa học và thực tiễn của dự án cũng được thể hiện qua kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Công ty Tư vấn - Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam cùng những đơn vị tư vấn, thiết kế cho dự án. Chính quyền TP HCM và các địa phương trong vùng đã tích cực góp ý, khẳng định sự cần thiết của tuyến đường huyết mạch này.
Vẫn còn một số ý kiến khác nhau về điều chỉnh hướng tuyến đường sắt, nguồn vốn đầu tư cũng như hiệu quả tài chính của dự án cần được lắng nghe để hoàn thiện dự án. Nhưng ý nghĩa quan trọng, sự cần thiết và tầm quan trọng của nó thúc đẩy phát triển liên vùng ĐBSCL và TP HCM, miền Đông Nam Bộ chính là động lực mạnh mẽ để đưa đường sắt trở lại với người dân đồng bằng sau 3/4 thế kỷ vắng bóng.
Bình luận (0)