Đây là số rùa biển bị mắc cạn hoặc dính vào lưới ngư dân trong quá trình đánh bắt thủy hải sản trên biển. Mỗi khi gặp các trường hợp trên, hầu như người dân nào cũng nghĩ ngay đến các thành viên Đội tình nguyện viên bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển trải dài trên 12 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị.
Chị Nguyễn Thị Hồng (32 tuổi, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) là 1/26 thành viên thuộc đội tình nguyện viên trên. Gắn với công việc này từ năm 2014 đến nay, chị đã tiếp nhận, cứu hộ và cùng với cơ quan chức năng thả hàng chục cá thể rùa về biển. Dù không có phụ cấp nhưng chị cũng như các thành viên khác đều say mê, không quản ngại đêm hôm, cứ nhận tin báo phát hiện rùa biển là tức tốc lên đường.
Chị Hồng bày tỏ bản thân rất vui vì bây giờ không kể ngư dân, mà ngay cả học sinh khi phát hiện rùa biển gặp sự cố đều nhanh chóng báo tin. "Nay cũng không còn cảnh người dân mua bán hay giết thịt rùa biển nữa nhưng lo ngại nạn xả rác thải nhựa xuống biển, một trong những tác nhân đe dọa môi trường sống của rùa biển" - chị Hồng nói. Theo chị Hồng, mong muốn các thành viên đội tình nguyện là sẽ được tập huấn chuyên sâu các bước sơ cứu, kiểm tra sức khỏe của rùa biển trước khi thả chúng về tự nhiên. Vì có như vậy, tỉ lệ sống sót của rùa biển sẽ cao hơn sau khi về lại biển.
Cán bộ Khu BTBĐ Cồn Cỏ cùng tình nguyện viên và người dân cứu hộ rùa biển
ThS Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTBĐ Cồn Cỏ, cho biết đơn vị quản lý, bảo vệ 4.532 ha mặt nước xung quanh đảo Cồn Cỏ và kể từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị giao thêm nhiệm vụ bảo tồn rùa biển trên địa bàn tỉnh. Qua ghi nhận, tại vùng biển, ven biển của tỉnh xuất hiện 5/7 loài rùa biển còn lại trên thế giới, gồm: vích, rùa da, đồi mồi, đồi mồi dứa và quản đồng. Thời gian qua, ngoài việc tiếp nhận, cứu hộ rùa biển, các tình nguyện viên đã hỗ trợ Ban Quản lý Khu BTBĐ Cồn Cỏ trong việc điều tra bãi đẻ rùa biển và tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân ở địa phương mà mình phụ trách. Chính vì vậy, ông Hòa mong muốn các tình nguyện viên sẽ được hưởng các chế độ, phụ cấp nhằm động viên tinh thần cho họ trong hành trình bảo tồn rùa biển.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, thời gian qua có một thực tế là tỉ lệ rùa biển bị thương khi được phát hiện cũng khá nhiều. Những trường hợp này, cần được chăm sóc, dưỡng thương cho rùa khỏe mạnh mới thả về biển. "Tuy nhiên, do chưa xây dựng được trạm cứu hộ và chưa có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này nên phần lớn chỉ sơ cứu rồi thả về biển, tỉ lệ sống sót không cao. Hơn nữa, từ năm 2009 đến nay, việc phát triển du lịch ven biển, kè hóa và nuôi tôm đã thu hẹp dần các bãi đẻ tự nhiên của rùa biển" - ông Hòa trăn trở.
Bình luận (0)