Sáng 28-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trình bày tham luận: "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước".
Tham luận của Bộ Nội vụ đã nêu nhiều kết quả nổi bật trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận công tác cải cách hành chính còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trình bày tham luận tại Đại hội XIII
Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, một trong những hạn chế là chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Thể chế, pháp luật vẫn còn chưa đồng bộ và thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hoá đời sống xã hội trong điều kiện mới.
"Công cuộc cải cách luôn "đụng chạm" đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở"- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng... Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm.
Có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết.
"Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực"- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu ra 6 giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn tới. Trong đó cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bình luận (0)