Tại các chợ đầu mối, những chủ hàng rau củ than cước phí vận chuyển rau củ từ Lâm Đồng về sẽ tăng theo giá xăng dầu. Tác động từ giá xăng dầu theo kiểu dây chuyền, mỗi công đoạn tăng một chút, cộng chung lại cũng phải tăng giá bán vài trăm đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết cũng có một số mặt hàng vào thời điểm giá xăng dầu tăng nhưng do số lượng dồi dào thì thương lái không tăng giá, thậm chí còn giảm để giải phóng hàng.
Đại diện các chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TP HCM như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức... nhìn nhận giá hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng ngay mà có độ trễ khoảng một tuần vì cần có thời gian để thương lái, tiểu thương cũng như nhà xe đàm phán cước phí vận chuyển. Thông thường, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tại các chợ đầu mối tăng từ 3%-7%.
Trước đó, khi giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3 thì ngay lập tức các nhà sản xuất xi-măng, sắt thép điều chỉnh giá bán các mặt hàng này tăng theo do chi phí sản xuất tăng. Theo đó, giá sắt thép xây dựng tăng từ 100.000-200.000 đồng/tấn, xi-măng tăng từ 20.000-50.000 đồng/tấn, tùy doanh nghiệp.
Thậm chí có doanh nghiệp điều chỉnh giá tăng trước thời điểm giá điện tăng. Chẳng hạn, Công ty CP Xi-măng Xuân Thành có thông báo đến khách hàng điều chỉnh giá bán xi-măng tăng 30.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 16-3, Công ty Xi-măng Hướng Dương tăng từ 30.000-40.000 đồng/tấn từ ngày 18-3, còn Công ty CP Xi-măng Cẩm Phả tăng 30.000 đồng/tấn từ ngày 15-3. Nhiều công ty tăng giá 20.000-50.000 đồng/tấn từ ngày 20-3 như Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1, Công ty CP Xi-măng Bút Sơn, Công ty CP Xi-măng Vicem Hoàng Mai...
Theo tính toán từ Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam thời điểm trước khi giá điện tăng, mỗi năm sản xuất từ 24-25 triệu tấn xi-măng, với chi phí khoảng 300 tỉ đồng/tháng, nếu áp theo giá điện mới phải cộng thêm chi phí 20 tỉ đồng. Trước đây, định mức tiêu hao điện năng khoảng 100 KWh/tấn xi-măng, nay các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên giảm còn 90-95 KWh, điện năng chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành. Còn theo tính toán từ Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, với giá điện tăng như hiện nay, mỗi tấn xi-măng sản xuất ra tăng khoảng 15.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng cho biết để sản xuất 1 tấn thép cần đến 600 KWh điện, tức chi phí tiền điện chiếm khoảng 1 triệu đồng, tương ứng chiếm 9% giá thành. Do đó giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh giá bán tăng theo.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng, buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.
Bình luận (0)