Ngày 7-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Bùi Thị Hà, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cho biết trung tâm sẽ gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp vận động tích cực để DNTN Thanh Cảnh (đóng tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) - nơi vừa xảy ra vụ hổ vồ và cắn lìa tay một người đàn ông, gây chấn động dư luận mấy ngày qua - giao nộp 5 con hổ nuôi nhốt tại đây cho nhà nước. ENV sẽ tư vấn, hướng dẫn đưa hổ đến trung tâm cứu hộ thích hợp.
Hiện trường tại cơ sở Thanh Cảnh (tỉnh Bình Dương), nơi hổ cắn đứt lìa tay một người đàn ông
Núp bóng bảo tồn để buôn bán hổ?
Bà Hà cho biết ENV đã theo dõi hoạt động nuôi nhốt hổ tại doanh nghiệp này rất lâu và thấy có nhiều điều bất ổn. "Được cấp phép nuôi thí điểm bảo tồn hổ từ năm 2007 nhưng năm 2011, người của cơ sở này còn bị kết án về buôn bán hổ trái phép. Hiện nay, cơ sở này lại để xảy ra tình trạng hổ vồ lìa tay người. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý trại nuôi hổ Thanh Cảnh" - bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, hiện trại nuôi hổ của doanh nghiệp Thanh Cảnh do bà Huỳnh Thị Mỹ làm chủ. Trại nuôi hổ thí điểm này được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động từ nhiều năm trước với mục đích bảo tồn loài hổ. Tuy nhiên, theo những tài liệu mà ENV lưu trữ, có nhiều quan ngại về bản chất của hoạt động nuôi hổ tại cơ sở này.
ENV cung cấp cho phóng viên bản án của TAND tỉnh Bình Dương cho thấy năm 2011, ông Huỳnh Văn Hai (chồng bà Mỹ) bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo, Huỳnh Tấn Đạt (con của ông Hai - bà Mỹ) bị phạt 2 năm tù giam về tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm".
Theo bản án, ngày 12-1-2006, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện một nhóm người dùng taxi vận chuyển một con hổ chết (nặng hơn 150 kg). Nhóm người này khai mua hổ của doanh nghiệp Thanh Cảnh với giá hơn 365 triệu đồng. Kết quả điều tra cho thấy ông Hai là người chấp thuận việc bán hổ. Đạt là người trực tiếp nhận tiền từ nhóm người mua hổ. Số tiền này Đạt đưa cho mẹ là bà Mỹ cất giữ. Làm việc với cơ quan điều tra, ông Hai và Đạt khai vào năm 2003, họ còn bán ra ngoài 4 con hổ khác, thu lợi hơn 1,4 tỉ đồng. Số hổ này được cho là tự chết khi nuôi nhốt tại Thanh Cảnh và bán ra để người mua nấu cao.
Ngày 6-6, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương xác nhận tại Thanh Cảnh hiện còn 5 con hổ. Đơn vị cấp phép cho Thanh Cảnh nuôi hổ là cơ quan kiểm lâm. Việc cấp phép này trước đây được thực hiện theo chủ trương từ trung ương về cho nuôi hổ thí điểm nhằm bảo tồn.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (TP Hà Nội) - nơi đang cứu hộ, chăm sóc hàng chục con hổ
Hổ nuôi hoài không đẻ!
Trong khi đó, theo khảo sát của ENV, cả nước hiện còn 4 cơ sở nuôi nhốt tổng cộng hơn 30 con hổ không có nguồn gốc, không có xuất xứ rõ ràng. Trong đó, Thanh Cảnh có 5 con; Công ty Bia Thái Bình Dương tại Bình Dương có 14 con (khảo sát vào tháng 6-2018); ông Nguyễn Khắc Thường ở Thái Nguyên có 6 con (4 con ban đầu và 2 con được đẻ ra, khảo sát tháng 2-2019); ông Nguyễn Mậu Chiến có 11 con (khảo sát tháng 6-2018).
Trong 4 cơ sở trên, người thuộc cơ sở Thanh Cảnh và cơ sở của ông Nguyễn Mậu Chiến từng bị phạt tù do liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Theo bà Hà, ban đầu cơ quan chức năng cho phép các cơ sở trên nuôi hổ vì mục đích bảo tồn. Đến nay, thực tế cho thấy các cơ sở không những không có đóng góp gì về mặt bảo tồn mà có nơi còn núp bóng bảo tồn để buôn bán hổ. "Có cơ sở nuôi hổ nhiều năm nhưng lúc nào chúng tôi đến thì số hổ vẫn không thay đổi, trong khi hổ cái, hổ đực vẫn nhốt chung, cho giao phối. Hổ đẻ rất dễ. Vậy hổ con sinh ra đi đâu, về đâu?" - bà Hà đặt câu hỏi. Theo bà Hà, cơ quan chức năng rất khó giám sát, quản lý số hổ mà chủ các cơ sở này nuôi vì không gắn chip. Do đó, không loại trừ khả năng những con hổ cũ có thể đã bị xẻ thịt, bị bán, sau đó chủ cơ sở mua hổ khác thay vào để qua mặt lực lượng chức năng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương nói: "Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần vận động Thanh Cảnh giao lại hổ. Có cái khó là nếu Thanh Cảnh chịu giao nộp, đơn vị nào sẽ tiếp nhận, nuôi đàn hổ đó?". Bà Hà cho rằng vấn đề ở chỗ Thanh Cảnh có chịu giao nộp hay không, còn chỗ tiếp nhận thì ENV sẽ đề xuất. TS Vương Tiến Mạnh, đại diện CITES Việt Nam, cũng nói rằng sẽ có những đơn vị hỗ trợ Bình Dương tiếp nhận, cứu hộ hổ, nuôi hổ. Tại TP Hà Nội, nhà nước có Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn đang cứu hộ, chăm nuôi hàng chục con hổ.
Thí điểm 3 nơi đều gây thương vong nhân mạng!
Đến nay, ở Bình Dương chỉ cho phép nuôi hổ thí điểm tại 3 nơi nhưng cả 3 nơi này đều gặp sự cố. Cụ thể, chiều 4-6, hổ nuôi tại Thanh Cảnh đã vồ cắn đứt lìa cánh tay của ông Võ Thành Quới (49 tuổi) trong lúc ông này vào thăm người quen làm việc tại Thanh Cảnh. Kiểm lâm cho rằng Thanh Cảnh đang trong quá trình nâng cấp chuồng trại. Trước đó, hổ nuôi tại Công ty Bia Thái Bình Dương (thị xã Dĩ An) và Khu Du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một) cũng vồ chết 2 nhân viên đang làm việc. ENV cho biết có sự bất cập là cơ quan chức năng cho tư nhân nuôi hổ nhưng lại chưa ban hành quy chuẩn cụ thể về chuồng trại nuôi nhốt nên sự cố nguy hiểm thường xảy ra.
Bình luận (0)