Ngày 10-8, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên - Bình Dương bị một người dân kiện liên quan đến quyết định hành chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, vị chủ tịch này không có mặt tại tòa mà ủy quyền cho giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Tân Uyên dự. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phan Thanh Tùng không chấp nhận việc ủy quyền này. Ông Tùng giải thích theo Luật Tố tụng hành chính mới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), khi người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
Đến cấp phó cũng bận họp
Vụ kiện và diễn biến tương tự như trên không phải là hiếm trong bối cảnh đất đai tăng giá, kéo theo nhiều tranh chấp. Báo cáo của TAND tỉnh Bình Dương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp tòa ở tỉnh này thụ lý giải quyết 62 vụ kiện hành chính (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước).
Theo TAND tỉnh Bình Dương, hầu hết các vụ án hành chính có người bị kiện là UBND các cấp thì chủ tịch UBND thường xuyên vắng mặt, không tham gia các buổi đối thoại, không tham dự phiên tòa mặc dù người khởi kiện mong muốn đối thoại với người bị kiện để tìm hướng giải quyết vấn đề. Từ đây, TAND tỉnh Bình Dương kiến nghị các cơ quan, tổ chức khi nhận được thông báo thụ lý vụ án phải gửi cho tòa án văn bản trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đi kèm. Người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là UBND hoặc chủ tịch UBND nên có ít nhất một lần đối thoại với người khởi kiện.
Trong hành trình đi kiện quyết định hành chính, người dân thường gặp cảnh vắng mặt của lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhà nướcbị kiện
Liên quan đến các vụ kiện hành chính, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết có thời điểm nhận cùng lúc 4-5 thư triệu tập của tòa. Các án này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển mạnh, khối lượng công việc của lãnh đạo rất nhiều trong khi quá trình giải quyết vụ án khá dài, tốn nhiều thời gian. Do đó, UBND tỉnh thường xuyên có văn bản gửi tòa án để giải trình, bảo lưu quan điểm, nội dung giải quyết vụ việc và có đơn xin giải quyết vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề: "Nếu vụ kiện nào người đứng đầu cơ quan tổ chức của tỉnh cũng không đến tòa tham dự, trả lời trực tiếp thì việc xét xử sẽ gặp không ít khó khăn". Ông Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: "Thời gian vừa qua, chủ tịch tỉnh cũng có ủy quyền cho phó chủ tịch đi dự tòa. Tuy nhiên, thời điểm tòa xét xử có khi trùng với lịch làm việc của lãnh đạo tỉnh nên có những buổi phải làm đơn xin vắng mặt. Dù vậy tỉnh cũng có gửi bản giải trình về quan điểm giải quyết vụ việc cho tòa". Về việc TAND tỉnh đề xuất lãnh đạo UBND nên ít nhất có một lần đối thoại với người khởi kiện, ông Lượng nói: "Sắp tới, UBND tỉnh sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình".
Thẩm phán phải bản lĩnh
Một thẩm phán cho biết không chỉ ở Bình Dương mà rất nhiều nơi khác lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhà nước hiếm khi dự tòa mà chỉ gửi bản giải trình, quan điểm của mình đến tòa. Hầu hết những giải trình này, người khởi kiện không chấp nhận và đưa ra những lý lẽ phản bác lại. Do bên bị kiện không có mặt nên không thể tranh luận. Việc xét xử, nhận định bản chất vụ việc vì thế rất khó khăn, tốn thời gian. Chưa kể, nhiều lần người bị kiện vắng mặt không lý do khiến tòa phải hoãn xử nhiều lần.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng khi bị kiện, lãnh đạo cơ quan tổ chức nhà nước có quyền xin xét xử vắng mặt. "Dĩ nhiên khi xét xử bên nào vắng mặt, không tranh luận, không đưa ra được chứng lý bảo vệ quan điểm của mình thì bên đó thiệt. Vấn đề là thẩm phán phải bản lĩnh, nhận định đúng bản chất. Thấy quan chức sai thì xử thua chứ đừng cả nể" - luật sư Tuyết phân tích.
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP HCM - cũng nói rằng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức xin vắng mặt tại tòa là không trái luật. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá bất cập, không khỏi gây cho người khởi kiện và dư luận những cái nhìn lệch lạc, ý kiến trái chiều. Luật sư Đức nói: "Dù người bị kiện vắng mặt với hàng trăm ngàn lý do hợp lệ đi chăng nữa thì hành vi đó cũng đã cho thấy người bị kiện chưa thể hiện tinh thần cầu thị. Bởi chắc gì quyết định hành chính, hành vi của họ về công tác quản lý nhà nước là hoàn toàn đúng cả?".
Theo luật sư Đức, sự có mặt của người bị kiện trong vụ án hành chính tại các phiên làm việc, đối thoại (trước khi xét xử diễn ra - PV) là điều kiện để người khởi kiện, đa phần là người dân có thể trực tiếp trao đổi, trình bày quan điểm của mình với chủ thể các cấp quản lý nhà nước, sở, ban, ngành.... Từ đó có thể làm rõ những nguyên nhân, sai sót, hạn chế nếu có của các bên, đồng thời có thể giảm thiểu những mâu thuẫn tranh chấp, tạo điều kiện cho tòa án giải quyết vụ án nhanh chóng hiệu quả. "Có thể khẳng định việc người bị kiện không tham gia các phiên đối thoại vô hình trung tạo ra rào cản, loại bỏ đi nhiều cơ hội hòa giải, gây tốn kém thời gian, sức người sức của và làm tăng tải công tác xét xử của tòa án các cấp" - luật sư Đức nhấn mạnh.
Cần bổ sung, cụ thể hóa
Luật sư Nguyễn Tri Đức cho rằng đến nay, Luật Tố tụng hành chính không đề ra các quy định cụ thể chế tài khi phía người bị kiện vắng mặt không tham gia đối thoại, không tham gia một trong các giai đoạn hoặc suốt quá trình tòa án thụ lý giải quyết cho đến khi có bản án. Chính điều này đã dẫn đến ít nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng quyền, lợi ích của người khởi kiện và quá trình giải quyết, xét xử vụ án. "Đây là điều mà các nhà làm luật cần bổ sung kiện toàn vấn đề này một cách cụ thể hơn" - luật sư Đức kiến nghị.
Bình luận (0)