Theo tính toán, với việc tăng thêm 50.000 ha, năng suất đạt khoảng 5,7 tấn/ha thì sản lượng lúa vụ thu đông ở ĐBSCL là 325.000 tấn, tương đương 200.000 tấn gạo. Với giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay, việc tăng 50.000 ha lúa có thể thu về hơn 100 triệu USD.
Đã khai thác tối đa diện tích
Tuy nhiên, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, cho biết đến nay, người dân đã gieo sạ xong vụ thu đông - khoảng 67.000 ha, tương đương năm 2022 - nên không thể tăng thêm diện tích lúa vụ này.
"Giá gạo đang tăng mạnh nhưng giá lúa tăng không nhiều vì diện tích trồng đã khai thác tối đa, ngành lúa gạo cũng đã tới ngưỡng. Ở một số vùng thuộc các quận, huyện Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, hệ thống thủy lợi không bảo đảm nên không thể xuống giống nhiều, năng suất lúa thu đông không hiệu quả, gặp nhiều rủi ro. Sản xuất ở vùng không thuận lợi dù có làm đi nữa thì lũ tới cũng bị ngập và thiệt hại nhiều hơn" - ông Nghiêm nhận xét.
Ở các vùng trồng lúa tập trung tại 2 huyện Cờ Đỏ và Thới Lai, TP Cần Thơ, người dân đã chuyển đổi sang sản xuất cây màu hay thủy sản vì hiệu quả hơn. Vì vậy, trong vụ thu đông này và vụ đông xuân sắp tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp với nông dân để làm căn cơ sản xuất lúa bền vững.
Tại Kiên Giang, theo kế hoạch sản xuất năm 2023, vụ thu đông dự kiến xuống giống 71.200 ha. Để bảo đảm vụ lúa thu đông đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch vụ hè thu thì tiến hành trục đất, vệ sinh đồng ruộng ngay; thời gian giữa 2 vụ cách nhau khoảng 20 ngày.
Đến nay, nông dân Kiên Giang cũng đã xuống giống xong vụ lúa thu đông với tổng diện tích 74.000 ha, tăng gần 3.000 ha. Theo lãnh đạo ngành NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương không thể tăng thêm diện tích lúa vụ này.
"Kế hoạch gieo sạ vụ lúa thu đông của Kiên Giang đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra. Hơn nữa, diện tích trồng lúa của tỉnh không lớn, có gieo sạ thêm cũng không mang lại nhiều lợi nhuận. Giờ đã là giữa tháng 8, nếu gieo sạ thêm lúa thu đông thì sẽ "đụng" thời gian gieo sạ vụ sau" - ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, băn khoăn.
Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch lúa vụ hè thu. Ảnh: VĨNH KỲ
Nông dân lo bị động
Nhiều nông dân ở Kiên Giang cho rằng việc tiếp tục xuống giống vụ thu đông vào lúc này là không khả thi bởi không kịp lịch thời vụ và phát sinh chi phí ngoài kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Trung - nông dân xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang - giải thích: "Để xuống giống thêm vụ thu đông vào thời điểm này thì cần thêm khoảng 20 ngày chuẩn bị. Khi đó đã sang tháng 9, phải đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 mới thu hoạch, trong khi vụ đông xuân rơi vào tháng 10. Ngoài ra, khi tăng diện tích vụ thu đông sẽ phát sinh chi phí sản xuất ngoài kế hoạch nên nông dân sẽ rất bị động".
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, vụ thu đông rơi đúng thời điểm lũ hằng năm tại ĐBSCL. Vì vậy, việc sản xuất lúa phải tuân theo kế hoạch mà UBND tỉnh đã ban hành, nhằm bảo đảm lịch thời vụ, xả lũ luân phiên ở các địa phương theo chu kỳ 3 năm 8 vụ.
"Theo kế hoạch sản xuất, tiêu thụ lúa vụ thu đông năm 2023, tỉnh An Giang dự kiến xuống giống 148.133 ha và diện tích khó thể mở rộng so với vụ này năm trước" - ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Dũng - nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - cho hay giá lúa tăng thì người dân rất phấn khởi nhưng việc mở rộng diện tích sản xuất trong lúc này là rất khó. Khu vực nào sản xuất lúa kém hiệu quả thì nông dân đã chuyển sang cây trồng thời vụ khác hoặc trồng cây lâu năm.
"Giá lúa, gạo cũng mới tăng, nông dân không thể chặt bỏ những loại cây khác để trồng lại lúa. Tôi có 2 ha trồng lúa, giờ muốn thuê thêm 2 ha nữa rất khó vì nhiều người cũng đang muốn trồng lúa lúc này" - ông Dũng phân vân.
Tại An Giang, Thoại Sơn là một trong những huyện có diện tích trồng lúa lớn, vụ thu đông này xuống giống khoảng 33.000 ha. Theo ông Võ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, diện tích trồng lúa toàn huyện vẫn bảo đảm nhưng không thể tăng dù giá lúa gạo lên cao.
"Diện tích sản xuất lúa toàn huyện Thoại Sơn đã được đê bao khép kín, người dân sẽ xuống giống hơn 33.000 ha như các năm. Dù giá lúa tăng nhưng diện tích trồng lúa ở địa phương không thể tăng do đã khai thác hết" - ông Hòa khẳng định.
Phát triển lâu dài, bền vững
Thúc đẩy chuỗi liên kết phát triển lâu dài và mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao là mục tiêu mà tỉnh Đồng Tháp đang tập trung hướng đến. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng diện tích trồng lúa hiện nay đã phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, việc tăng "nóng" diện tích trồng lúa thời điểm này là rất khó. Đồng Tháp sẽ tập trung tăng diện tích sản xuất lúa theo chuỗi giá trị bền vững và chất lượng cao.
"Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng chương trình sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững để tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chúng tôi chuẩn bị các bước để phát triển lâu dài là chính" - ông Minh nhấn mạnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)