Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cùng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1, sẽ là những chế tài cụ thể hơn để lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm.
Không "du di" với sai phạm
Những ngày qua, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã quán triệt các đơn vị về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Đại tá Dương Đức Hải cho rằng cùng với việc chủ động ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, Phòng CSGT đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấn vào cuộc tuyên truyền - xử lý đồng bộ, đặc biệt nâng cao nhận thức, chấp hành của người dân.
Theo ghi nhận, tại các chốt CSGT trong đêm 2-1 ở TP Hà Nội, đa phần các trường hợp vi phạm đều vi phạm nồng độ cồn. Nhiều trường hợp nhận chỉ uống 2 đến 3 cốc rượu, bia nên khi bị lập biên bản, xử lý thì tỏ ra không phục, chống đối lực lượng chức năng. Một số trường hợp đã bị xử lý ở mức phạt cao nhất như đi ôtô vi phạm nồng độ cồn bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng; đi xe máy vi phạm nồng độ cồn bị phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.
Tại Đắk Lắk, trong 2 ngày qua, lực lượng CSGT đã kiểm tra và phát hiện 84 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 80 trường hợp đi xe máy, 4 trường hợp điều khiển ôtô. Đáng chú ý, tối 1-1, trong lúc tuần tra trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, lực lượng CSGT phát hiện 1 trường hợp điều khiển xe con có biểu hiện say xỉn nên dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của người này là trên 0,4 mg/l khí thở. CSGT đã xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng. "Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn trong lúc điều khiển phương tiện giao thông nhằm hạn chế tối đa những vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra" - một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.
Ngay trong đêm 2-1, CSGT TP Đà Nẵng lập chốt kiểm tra tại các trục đường chính của thành phố, xử phạt 22 trường hợp vi phạm về độ cồn. Có một trường hợp bị phạt đến 17 triệu đồng. Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ, Phó Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết trong những ngày tới, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của giám đốc Công an TP, triển khai thực hiện quyết liệt nhằm phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.
Kiểm tra độ cồn người điều khiển ôtô tại Đà Nẵng trong đêm 2-1. Ảnh: QUANG LUẬT
Đã uống bia, rượu sẽ bị phát hiện
Trước quy định mới, nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, có thể tiếp tục tham gia giao thông?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. Tuy nhiên, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống, uống lúc đói... Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý. "Thực tế có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn nhưng có người thì đã bay hết" - bác sĩ Nguyên nói.
Làm việc tại chính cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là "uống rượu, bia sau bao lâu mới được lái xe?" hay uống rượu, bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này phụ thuộc vào lượng rượu, bia uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân, từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Theo bà Trang, thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Đối với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn sau khi uống 1 đơn vị cồn. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá 1 đơn vị cồn/ngày và uống dưới 5 ngày/tuần.
Ăn trái cây vẫn phát hiện có độ cồn
Nói về thông tin ăn trái cây (sầu riêng, nho...) có thể bị phạt vì hơi thở có nồng độ cồn, ông Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết với những tình huống như trên thì người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn và nếu chưa rõ ràng có thể được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.
Trong khi đó đại diện Bộ Y tế cho rằng những trái cây có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. "Chúng tôi sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng biết với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt" - bà Trần Thị Trang nói.
Bình luận (0)