Chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết Tân Sửu 2021 nhưng tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP HCM, các dự án, công trình lẽ ra đã phải thi công xong từ lâu thì nay vẫn cứ… ì ra đó! Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà sinh hoạt hằng ngày cũng bị đảo lộn do giao thông bị cản trở, bụi công trình bay tứ tung…
Ảm đạm một cung đường
Từ khoảng tháng 3-2018, để thực hiện gói thầu xây dựng hệ thống cống bao của dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2, đơn vị thi công đã lắp đặt nhiều rào chắn chạy dọc đường Phạm Thế Hiển (quận 8). Đến nay đã gần 3 năm thi công nhưng dọc tuyến đường Phạm Thế Hiển vẫn còn 5 rào chắn. "Người dân sinh sống trên đoạn qua các phường 4, 5 và 6 của quận 8 đã quá khổ với rào chắn nằm ì trên con đường này. Có đoạn chỉ chưa tới 1 km đã có đến 2-3 rào chắn án ngữ thì làm sao sống được" - ông Nguyễn Thế Phong (ngụ đường Phạm Thế Hiển đoạn chạy qua phường 5, quận 8) bức xúc nói.
Gặp chúng tôi ở quán cà phê kiêm tiệm rửa xe dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), anh Lâm Văn Nhì - chủ tiệm - than rào chắn dựng đã một năm, chiếm gần 2/3 mặt tiền quán khiến việc buôn bán ế ẩm, thu nhập giảm 50% so với trước. "Đơn vị thi công cần làm nhanh để bà con kiếm sống chứ Tết đến rồi lại thêm nhiều tháng qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đời sống chúng tôi rất khó khăn" - anh Nhì mong mỏi.
Rào chắn trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP HCM) bít lối làm ăn của nhiều hộ gia đình
Cách đó 500 m, tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ, rào chắn án ngữ ngay ngã tư. Đi tiếp 1 km lại thêm một rào chắn án ngữ trước mặt tiền 5 cửa hàng, hầu như không còn lối ra vào cho khách. Anh Nguyễn Thuận Hùng - làm công cho một cửa hàng chuyên cho thuê giàn giáo - nói rào chắn dựng gần 2 năm rồi nên bà con sốt ruột lắm. Hễ thấy bóng dáng công nhân là chạy ra hỏi khi nào tháo rào chắn và nhận được lời hứa suông "sắp rồi". "Ức quá nên cách đây một tuần, chúng tôi tự thu gọn rào chắn trước nhà vì đoạn đó để không chẳng làm gì. Mấy quán cơm, hớt tóc, hủ tiếu, màn cửa ngất ngư hết rồi. Không làm thì tháo rào chắn để chúng tôi còn làm ăn sinh sống" - anh Hùng cho biết.
Cũng theo anh Hùng, thay vì dựng rào chắn lần lượt, làm theo kiểu cuốn chiếu thì rào chắn trên đường Phạm Thế Hiển lại mọc lên hàng loạt. Cứ đến giờ cao điểm là giao thông rối loạn. Xe máy đua nhau leo lề, còn ôtô lỡ vào thì chỉ có nước "chết đứng"!
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ùn tắc triền miên cộng với buôn bán ế ẩm đã khiến nhiều chủ cửa hàng nhanh chóng trả mặt bằng. Riêng các hộ kinh doanh tại nhà thì buôn bán cầm chừng hoặc đóng cửa dài hạn.
Nhiều nơi chung nỗi bức xúc
Hàng trăm hộ dân trên đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) nhiều tháng qua cũng phải gồng mình chờ công trình nâng cấp, mở rộng đường làm xong vì bụi bặm, đi lại khó khăn. Tuyến đường nâng cấp dài khoảng 4,5 km đi qua 2 xã Thới Tam Thôn và Đông Thạnh cũng đầy ổ gà, ngày mưa nước ngập, nhiều vụ té ngã. Đáng nói hơn, nhiều đoạn được đơn vị thi công lắp đặt cống thoát nước 2 bên đường và để lại mặt bằng trước nhà dân nham nhở, khó đi lại, nhiều hộ dân phải đặt ván lót cho xe và khách ra vào. Anh Trần Văn Dũng (ngụ xã Thới Tam Thôn) nói như mếu: "Chẳng buôn bán gì được. Đường đầy bụi lại lởm chởm ổ gà, ai đi qua cũng cố chạy thật nhanh thì làm sao bán với buôn".
Lầy lội cộng bụi mù khiến sinh hoạt của người dân ở đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn, TP HCM) đảo lộn
Người dân sinh sống dọc cung đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng đang than trời. Dự án Nâng cấp, giảm ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn dài 3,2 km khởi công từ tháng 10-2019 với nhiều rào chắn dựng từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Sài Gòn nên giờ tan tầm xe cộ thường xuyên ùn ứ, người dân quanh trục đường khốn khổ trong việc đi lại cũng như mua bán.
Tương tự, dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho khu Nam TP. Tuy nhiên, rào chắn dựng lên trong khoảng thời gian dài tại nút giao này khiến người dân bức xúc vì nguy cơ tai nạn tăng cao do nhiều trường hợp bối rối khi lưu thông qua nút giao.
Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, trong năm 2020, đơn vị này đã lập biên bản 636 trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thi công các công trình giao thông đường bộ với tổng số tiền xử phạt là 3,7 tỉ đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm nhiều gồm: thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp hoặc ở 2 đầu cầu, cống, đường ngầm; để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…
Từ nay đến Tết nguyên đán, Thanh tra Sở GTVT cho biết sẽ tăng cường tuần tra, giám sát, xử lý các vi phạm, đồng thời kiến nghị Sở GTVT có văn bản đến chủ đầu tư tăng cường trách nhiệm và giám sát. Cụ thể, các chủ đầu tư bị nhắc nhở gồm: Ban Quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, BQL đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, BQL dự án Lưới điện phân phối TP HCM, BQL dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Củ Chi, BQL hạ tầng đô thị…
Chủ yếu do vướng mặt bằng
Dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ được thực hiện từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Giai đoạn 1 đã hoàn thành, giai đoạn 2 đang thi công với tiến độ dự kiến về đích năm 2024 thay vì 2021, nguyên nhân do vướng mặt bằng thi công, năng lực nhà thầu có hạn, thời gian rà soát thiết kế...
Tương tự, dự án Nâng cấp mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) dài 5,2 km khởi công từ năm 2018, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng cũng do vướng mặt bằng nên dự kiến đến cuối năm 2021 mới hoàn thành.
Đối với dự án Nâng cấp, giảm ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện do vướng căn nhà trên đường Phú Mỹ là biệt thự cổ đang được TP phân loại nên đơn vị thi công chưa thể thi công đoạn cống thoát nước ra cửa xả chính hầm chui Văn Thánh. Thời gian hoàn thành dự kiến tháng 4-2021 thay vì trong năm 2020.
Bình luận (0)