UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị định 139/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Trong báo cáo, nêu khó khăn trong việc xử lý vi phạm đối với "nhà 3 chung", UBND TP cho biết hiện trên địa bàn có nhiều trường hợp người dân xin phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên lô đất có diện tích lớn.
Một khu "nhà 3 chung" được xây dựng ở huyện Củ Chi, TP HCM năm 2019 (Ảnh: THU HỒNG)
Sau đó tự ý ngăn chia thành nhiều căn để bán (dưới hình thức vi bằng), nội dung vi phạm chủ yếu: xây dựng thêm tường ngăn chia thành nhiều căn nhà nhỏ, trổ thêm cửa đi, xây dựng thêm cầu thang, thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình nhưng không thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Khoản 4, Điều 5 Thông tư số 03/2018 (Thông tư quy định chi tiết một số điều Nghị định 139) quy định: "Trường hợp điều chỉnh thiết kế xây dựng mà không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Điều 98 Luật Xây dựng thì không coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 15 Nghị định 139".
Như vậy, các hành vi trên có được xem là trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Khoản 1, Điều 98 Luật Xây dựng năm 2014 hay không? Nếu không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng thì có xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp hay không?
Từ đó, UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn xử lý nội dung vướng mắc nêu trên, nhằm kiên quyết lập lại trật tự xây dựng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Thống kê từ tháng 1-2018 đến hết tháng 6-2020, TP HCM đã có 4.199 trường hợp bị xử phạt trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo UBND TP, các hành vi xây dựng sai phép thường gặp là xây dựng tăng diện tích tại các tầng, mái che cầu thang hoặc xây dựng ban công thành phòng; xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch; thay đổi thiết kế bên trong…
Các hành vi xây dựng không phép thường gặp là xây dựng thêm các hạng mục không có trong nội dung giấy phép xây dựng được cấp; lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch…
Mổ xẻ nguyên nhân, UBND TP HCM cho biết do tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn TP rất lớn, đã xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước cho phép và xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh, dẫn đến tình hình xây dựng trên địa bàn một số quận vùng ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch.
Bình luận (0)