Trưa 26-10, trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh), một chiếc ba gác chở nhiều bó sắt dài gấp đôi thân xe, khi đang di chuyển ở làn đường xe 2 bánh thì bất ngờ bung thùng, văng bánh. Những thanh sắt không được che chắn phía trên ập xuống, làm hàng chục phương tiện trờ tới phải thắng gấp, né dạt. Sự cố này may mắn không làm người bị thương nhưng tất cả đều hoảng sợ, còn những ai chứng kiến cũng không khỏi thót tim. Đáng nói, nhiều tuyến đường khác tại TP cũng còn đầy rẫy những chiếc xe như vậy, chực chờ gây họa khiến người dân lo lắng.
Chiếc xe ba gác chở nhiều bó sắt trên đường Phạm Văn Đồng thì bất ngờ bung thùng, văng bánh
Thực tế, không khó để bắt gặp những chiếc xe ba, bốn bánh chỉ còn trơ khung sắt nhưng vẫn chở cồng kềnh đủ loại hàng, luồn lách từ đường lớn tới hẻm nhỏ tại TP HCM. Nhiều xe như những "máy chém" khi chở đủ loại tôn, kính sắc nhọn nhưng không hề che chắn, phóng bạt mạng trên đường. Và thực tế, nhiều vụ tai nạn do những phương tiện này từng gây ra, trong đó có những vụ gây chết người. Dù báo chí đã phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến.
Theo một số chuyên gia giao thông, xe tự chế, 3-4 bánh chở hàng quá khổ vẫn diễn ra liên tục tại TP HCM bởi nhu cầu sử dụng còn rất cao. Loại phương tiện này có kích thước nhỏ, di chuyển thuận tiện ở các tuyến đường hẹp, mức giá lắp ráp và thuê vận chuyển khá rẻ… nên được nhiều người sử dụng, trong đó đa phần là người nghèo. Tuy nhiên, lý do vì nghèo khổ để tùy tiện làm trái quy định, có thể gây họa cho người khác và chính bản thân thì không thể chấp nhận. Và cũng không thể đổ lỗi cho cái nghèo mà buông lỏng quản lý, không có biện pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng này. Trách nhiệm trong việc chấn chỉnh, đầu tiên là của các đơn vị phụ trách về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là lực lượng CSGT. Thế nhưng, hiện các biện pháp tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả, đúng đối tượng để vận động người dân chấp hành. Công tác xử lý các phương tiện vi phạm cũng còn hạn chế bởi chỉ mang tính chất tạm thời, được một số kết quả sau những lần ra quân rồi lại tái diễn, không duy trì được như kết quả ban đầu.
Trong khi đó, các chuyên gia giao thông cũng cho rằng để giải quyết căn cơ tình trạng trên phải có phương án tạo việc làm khác phù hợp cho người chở thuê, giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp. Hầu hết người chạy xe 3-4 bánh là lao động chân tay, mưu sinh chủ yếu dựa vào loại xe này. Do không có nhiều vốn nên họ rất khó tự chuyển đổi công việc và chọn phương tiện khác hoặc nghề khác. Vì vậy, trách nhiệm và vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề trên cũng không nhỏ. Cụ thể là cần có các chính sách vận động, hỗ trợ vốn cho họ học nghề, tìm kiếm đầu ra ở từng ngành nghề họ muốn chuyển đổi, giúp họ ổn định cuộc sống với ngành nghề mới. Những vấn đề này phải thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và theo lộ trình cụ thể.
Bình luận (0)