Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2019, cả nước bắt giữ, xử lý 52.375 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, khởi tố 1.150 đối tượng liên quan. Tuy nhiên, bài toán tiêu hủy hay đấu giá số thuốc lá ngoại nhập lậu (TLNNL) bị tịch thu đang là vấn đề khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389, cho biết hiện còn hơn 9,5 triệu bao TLNNL bị tịch thu nhưng chưa xử lý được. Trong số các địa bàn trọng điểm về TLNNL, chỉ mới có Long An tiêu hủy được hơn 672.000 bao.
Việc tiêu hủy hay đấu giá TLNNL đã tịch thu hiện thực hiện theo Quyết định 20 (hết hiệu lực vào tháng 6-2020) của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiêu hủy TLNNL bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng và thí điểm bán đấu giá TLNNL bị tịch thu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, vướng mắc là ở việc đánh giá chất lượng TLNNL để đưa ra phương án tiêu hủy và đấu giá. Việc thẩm định chất lượng cũng là khó khăn lớn nhất khiến các địa phương chưa thành lập được hội đồng đánh giá. Đáng chú ý, Quyết định 20 cũng không nêu rõ cơ quan nào đảm nhận nhiệm vụ đánh giá chất lượng TLNNL bị tịch thu.
Lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh An Giang đang xử lý thuốc lá ngoại nhập lậuẢnh: Thanh Vân
Về phía Bộ Tài chính, trong tháng 8 đã có hướng dẫn về việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá TLNNL bị tịch thu còn chất lượng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá TLNNL bị tịch thu thành lập hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm.
Dù vậy, văn bản này vẫn chưa gỡ khó được cho các địa phương. Bởi mấu chốt là việc đánh giá số TLNNL bị tịch thu còn chất lượng hay không. Việc này phải thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá theo các quy định, quy chuẩn hiện hành. Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng BCĐ 389, cho biết công tác giám định, đánh giá chất lượng TLNNL không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, căn cứ. Các địa phương chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ đánh giá chất lượng TLNNL.
Tại các địa bàn trọng điểm về TLNNL, ngoài các nhãn hiệu phổ biến như JET và HERO, còn rất nhiều loại TLNNL khác. Trong khi đó, tiêu chí xác định chất lượng thuốc lá hiện hành chỉ áp dụng với thuốc lá sản xuất trong nước. Những tiêu chí này không phù hợp để xác định chất lượng TLNNL, từ đó khó có cơ sở xác định điều kiện thuốc lá như thế nào để đưa ra quyết định tiêu hủy hay đấu giá.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường kiêm Phó Ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này đang tồn đọng khoảng 1,25 triệu gói TLNNL. Nguyên nhân do các lực lượng chức năng trong tỉnh chưa thực hiện được việc tiêu hủy TLNNL bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng và thí điểm bán đấu giá TLNNL bị tịch thu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài theo Quyết định 20. Chưa tiêu hủy được bởi TLNNL là mặt hàng cấm nhưng hiện công tác giám định, đánh giá chất lượng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, căn cứ để đánh giá vì hàng thật trên thị trường chưa được cơ quan chức năng xác nhận. Do đó, An Giang cũng chưa có đơn vị, tổ chức nào thực hiện được chức năng giám định, đánh giá chất lượng TLNNL. Trong khi đó, nơi lưu giữ, việc bảo quản không bảo đảm điều kiện về không gian, nhiệt độ... không có kho chuyên dùng nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như chi phí lưu giữ do thuê kho bãi cao.
Cũng theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tỉnh này đã đề nghị Chính phủ cho tỉnh làm đầu mối thu gom và xử lý chung cho các ngành chức năng trên địa bàn; thành lập hội đồng của tỉnh kiểm tra thực tế, đánh giá chất lượng (chủ yếu bằng cảm quan), với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức tham gia đấu giá và tiến hành bán đấu giá (đối với số TLNNL bị tịch thu còn chất lượng) và tiêu hủy (đối với số TLNNL bị tịch thu giả, không bảo đảm chất lượng).
Cần có đề xuất
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế cho biết sẽ phối hợp giữa các bộ như Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ để tháo gỡ, tổ chức thẩm định theo đúng quy định.
Trước mắt, đề nghị các địa phương bảo quản tốt số TLNNL đã tịch thu, đối với tang vật không còn bảo đảm chất lượng thì tổ chức tiêu hủy. Các địa phương nghiên cứu chức năng nhiệm vụ của sở khoa học và công nghệ có phù hợp với việc thẩm định chất lượng TLNNL hay không. Trong trường hợp cần một cơ quan chuyên môn để phụ trách nhiệm vụ này, các BCĐ 389 địa phương cần có đề xuất.
Bình luận (0)