"Mỗi phương án đưa ra trong đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc đều được Bộ Công Thương tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng". Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, tại tọa đàm "Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam" tổ chức ngày 6-3.
Người xài điện ít sẽ có lợi
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi. Theo các phương án này, khoảng 87% khách hàng sử dụng điện mức thấp (dưới 300 KWh/tháng) bị ảnh hưởng quyền lợi. Do vậy, Bộ Công Thương đã lựa chọn phương án 5 bậc để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
"Phương án 5 bậc khắc phục được nhược điểm nêu trên, khi hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 KWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là hộ nghèo, chính sách tiếp tục được nhà nước hỗ trợ, với khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỉ đồng/năm" - ông Tuấn khẳng định.
Về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, cho rằng rất khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân đồng thuận. Do đó, phải lựa chọn biểu giá mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Ông Thỏa ủng hộ phương án 5 bậc và đánh giá đây là phương án khả thi nhất.
Đồng tình với phương án 5 bậc, GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nhấn mạnh: "Giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện". Theo ông Long, việc các hộ dân sử dụng mức trên 700 KWh/tháng phải chịu mức giá cao nhất trong biểu giá 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra là phù hợp với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện, thay vì mức trên 400 KWh/tháng như biểu giá điện hiện hành.
Bộ Công Thương ước tính sẽ có khoảng 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng, phải trả cao hơn khi sử dụng trên 700 KWh/tháng.
Khách hàng đến giao dịch tại Công ty Điện lực Sài Gòn. Ảnh: TẤN THẠNH
Khoảng cách giá còn cao
Bên cạnh tính toán theo hướng có lợi cho người sử dụng điện mức thấp như nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng một trong những lý do để Bộ Công Thương lựa chọn phương án 5 bậc là vì theo phương án này, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách sẽ giảm xuống, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
"Điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Trong khi đó, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Mặt khác, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió chưa phát triển mạnh. Do đó, Bộ Công Thương nhận thấy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn này" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cơ bản đồng tình với lập luận của đại diện Bộ Công Thương nhưng các chuyên gia góp ý rằng cơ quan soạn thảo cần tính toán lại bước nhảy, khoảng cách giá giữa các bậc thang.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa chỉ rõ ở phương án 5 bậc, khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên của bước nhảy còn cao. Cụ thể, bậc 2 so với bậc 1 tăng 19,9%, bậc 3 so với bậc 2 tăng 25,9%.
"Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm 2019 tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân. Bộ Công Thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỉ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc để làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn. Có thể giảm bước nhảy giá của 2 bậc đó và tăng mạnh tỉ lệ này ở 2 bậc cuối. Việc điều chỉnh này sẽ khuyến khích tiết kiệm điện hơn" - ông Thỏa kiến nghị.
GS-TS Trần Đình Long đề xuất 2 cách xây dựng bước nhảy. Thứ nhất, xây dựng bước nhảy làm sao để tương đối đồng đều giữa các bậc thang. Thứ hai, thiết kế bước nhảy tăng dần, các bậc sau phải trả giá cao hơn nhiều để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý việc thiết kế bước nhảy trong giá điện bậc thang phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng và ngành điện.
Chưa thể áp dụng điện 1 giá
Cũng tại tọa đàm, vấn đề phương án điện 1 bậc giá cũng được các chuyên gia mổ xẻ để lý giải vì sao chưa phù hợp với Việt Nam hiện nay. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nước ta chưa có đủ điều kiện để thực hiện điện đồng giá. Để bảo đảm đủ điện trong thời gian cao điểm, ngành điện vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Vì thế, phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh.
Dù vậy, ông Thỏa kỳ vọng khi thị trường bán lẻ điện đã hoàn tất, các nguồn điện được bảo đảm thì Việt Nam có thể tiến đến phương án 1 giá điện duy nhất.
Bình luận (0)