Khuya 28 đến rạng sáng 29-12, Đội CSGT Nam Sài Gòn (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an TP HCM), tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên một số tuyến đường đơn vị này phụ trách.
Tại đoạn qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (quận 7), đa số tài xế khi bị CSGT kiểm tra thì chấp hành, tuy nhiên cũng có một số trường hợp không chịu hợp tác, đôi co và không chấp nhận bị kiểm tra nồng độ cồn.
CSGT đo nồng độ cồn tài xế trên đường Nguyễn Văn Linh
Theo quy trình kiểm tra nồng độ cồn hiện đang áp dụng (theo tiêu chuẩn quốc tế), đối với ôtô, CSGT ban đầu sẽ sử dụng máy đo định tính để phát hiện có hơi cồn trong phương tiện hay không. Trường hợp có, lái xe sẽ bị kiểm tra định lượng bằng việc thổi trực tiếp vào máy để xác định nồng độ cồn.
Tại khu vực trên, trong khoảng 1 giờ, CSGT kiểm tra 5 trường hợp thì có 4 vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều trường hợp bị lập biên bản vi phạm
Trung tá Phạm Minh Đức, Đội phó Đội CSGT Nam Sài Gòn, đánh giá vào thời điểm cuối năm, tình hình giao thông trên địa bàn đơn vị đảm trách phức tạp hơn, trong đó khá phổ biến người chạy xe đã uống rượu bia.
Vào thời điểm giáp Tết, lượng người sử dụng rượu bia tăng cao.
Tuy nhiên, trung tá Đức cũng cho biết việc xử lý các vi phạm nồng độ cồn, nhất là dịp giáp Tết gặp nhiều khó khăn bởi CSGT gặp không ít trường hợp tài xế "cù nhầy". "Có trường hợp chúng tôi phải mất tới 3-4 giờ mới xử lý xong vì tài xế không hợp tác. Thậm chí có người còn nói "quen biết" để can thiệp rồi khi không được thì quay lại phản ứng tiêu cực với CSGT" - Trung tá Đức nói.
Một phương tiện bị tạm giữ
Theo trung tá Đức, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn thuộc chuyên đề mà đơn vị đang thực hiện liên tục trước nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến tình trạng này gây ra, trong khi vào thời điểm giáp Tết nên lượng người sử dụng rượu bia tăng cao. "Qua đánh giá, 80 - 90% các vụ tai nạn giao thông xảy ra từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau nên chúng tôi tập trung vào những khung giờ này để tăng cường xử lý. Với riêng Đội CSGT Nam Sài Gòn, 9 tháng cuối năm 2018 đã giảm tai nạn so với cùng kỳ năm 2017 trên cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương" - Trung tá Đức cho biết.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, dịp cuối năm, đơn vị này hiện đã xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều chuyên đề, kết hợp giữa tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh các vi phạm. Trong đó, với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, PC08 đã liên tục tổ chức các đợt ra quân ở nhiều khu vực, đặc biệt là trên các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu.
Trước đó, lãnh đạo Cục CSGT - Bộ Công an đã chỉ đạo từ ngày 16-12-2018 đến 15-2-2019 trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán, lễ hội Xuân 2019, các đơn vị, địa phương tăng cường nhân lực, phương tiện thực hiện đợt cao điểm lần 3 tại tất cả địa phương.
Bình luận (0)