Ngày 17-11, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành Ủy TP HCM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM tổ chức Hội thảo "Văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa trong lòng người dân ở TP HCM". Hội thảo nhằm thể hiện niềm tin, tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học đối với việc phát huy văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa cho TP HCM.
Biểu tượng thân dân
Hội thảo gồm 3 chủ đề chính: "Hành trình văn hóa Hồ Chí Minh"; "Nội dung, đặc điểm và giá trị văn hóa Hồ Chí Minh" và "Văn hóa Hồ Chí Minh tỏa sáng trong lòng người dân thành phố mang tên Người" với 65 bài tham luận.
Trình bày báo cáo đề dẫn, PGS-TS Nguyễn Thế Nghĩa nhấn mạnh những giá trị cốt lõi trong văn hóa Hồ Chí Minh được bộc lộ tập trung, đặc sắc ở 3 lĩnh vực: văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và văn hóa phong cách. Điểm chung của những giá trị này đều xuất phát từ nguyên lý "dân là gốc nước", "dân là chủ", "dân làm chủ"; giữ đạo đức để xứng đáng là người lãnh đạo, đầy tớ trung thành của nhân dân; sống cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn để phục vụ nhân dân.
GS-TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định tinh thần thân dân Hồ Chí Minh là đỉnh cao và biểu tượng của tinh thần thân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 giá trị tư tưởng thân dân.
Thứ nhất, nhân dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, trai gái, già trẻ, dòng giống, tôn giáo, tín ngưỡng, chỉ trừ những kẻ tham ô, phản quốc. Thứ hai, dân phải được sống trong độc lập, tự do. Thứ ba, đoàn kết nhân dân là động lực to lớn, sức mạnh của nhân dân là vô địch. Thứ tư, nước ta là nước dân chủ, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Thứ năm, nước độc lập rồi dân phải hưởng tự do hạnh phúc, phải chăm lo cho đời sống nhân dân. Cuối cùng, cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân.
Theo ThS Đỗ Thị Lan Anh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, trong bối cảnh hiện tại, cần thiết lan tỏa văn hóa Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện bổn phận, trách nhiệm; gắn bó chặt chẽ, liên hệ mật thiết với nhân dân.
Đồng thời, góp phần nêu cao bản lĩnh chính trị trong cán bộ, đảng viên, người đứng đầu để đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, cơ hội, cục bộ. Việc này cũng cổ vũ người dân TP HCM làm điều thiện, đoàn kết; khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển bản thân và góp sức phát triển đất nước.
Đoàn Thanh niên phường Bến Thành (quận 1, TP HCM) xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Theo các đại biểu, để phát huy văn hóa Hồ Chí Minh trong lòng người dân của thành phố mang tên Người, phải xây dựng, phát triển đồng bộ các không gian văn hóa và tăng cường giáo dục để thấm nhuần vào tư tưởng của từng cán bộ, công chức và lan rộng đến mỗi người dân, gia đình, địa phương.
Đây là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang được thực hiện tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chỉ phát huy những giá trị văn hóa khi được xây dựng, thiết kế không mang tính hình thức; có những hoạt động giá trị, tác động và khắc sâu dấu ấn trong lòng người dân khi họ đến tham quan, tìm hiểu...
"Cần dành quỹ đất để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chỉ nói suông sẽ khó tạo sự lan tỏa đúng nghĩa" - TS Vũ Thị Mai Oanh, Thư ký Hội đồng Khoa học Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam - TP HCM, lưu ý.
TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam - TP HCM, cho rằng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ ở cả mặt vật thể và phi vật thể, bao gồm khu vực bảo tồn, bảo tàng, lễ hội văn hóa... Quan trọng nhất là xây dựng, khơi dậy khát vọng Hồ Chí Minh, tinh thần Hồ Chí Minh, ý chí và quyết tâm Hồ Chí Minh... trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tuổi trẻ.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, nhận định việc xây dựng, phát huy những giá trị của không gian văn hóa và thời đại Hồ Chí Minh thiết thực nhất là thực hiện có hiệu quả cuộc vận động sâu rộng phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm biến những gia trị văn hóa cao đẹp của Người thành tình cảm, ý chí, nghị lực của người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này cũng giúp củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Một số đại biểu góp ý nên có những hội thảo nghiên cứu sâu hơn các giải pháp để đưa văn hóa Hồ Chí Minh thâm nhập và lan rộng trong người dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một chủ đề quan trọng, cần thiết trong thời đại mới và được kỳ vọng sẽ đưa ra cái nhìn chung nhất cùng những giải pháp hiệu quả nhất.
Bình luận (0)