xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19

Hải Yến

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP HCM đã tham dự lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người lao động tại Khu Công nghệ cao ở TP Thủ Đức, TP HCM

Ngày 19-6, TP HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc-xin Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Số vắc-xin này do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, sau đó Bộ Y tế ưu tiên phân bổ cho TP HCM khi số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

2/3 người dân TP HCM sẽ được tiêm

Tại buổi lễ khởi động, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong đợt này, TP ưu tiên tiêm chủng cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn nhằm bảo đảm vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, TP cũng đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán tìm các nguồn cung cấp vắc-xin cho người dân nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. TP sẽ phấn đấu đến hết năm 2021 có 2/3 người dân được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

500 nhân viên của Công ty FPT Software và 450 nhân viên của Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) là những người đầu tiên thuộc khối sản xuất tại TP được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tại mỗi đội tiêm sẽ có ít nhất 5 nhân viên có trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân viên tiêm vắc-xin, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm.

TP HCM khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Theo dõi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 tại Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam vào sáng 19-6 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của TP thực hiện trong 7 ngày, sau đó sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có quyết sách tiếp theo. TP sẽ bố trí 650 điểm tiêm mỗi ngày bao gồm điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các trạm tiêm lưu động. Dự kiến hoàn thành chiến dịch tiêm lần này vào ngày 27-6" - bác sĩ Hưng thông tin. Theo kế hoạch của Sở Y tế TP HCM, hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội tiêm, từ 547 đơn vị sẽ tham gia chiến dịch tiêm chủng này.

Phát biểu tại buổi lễ khởi động, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương các lực lượng tham gia phòng chống dịch tại TP đã làm việc không mệt mỏi, không có giờ nghỉ, quên mọi vất vả, hiểm nguy để tận dụng từng giây, từng phút với quyết tâm cao nhất nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, để sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong "trận chiến" này, TP bước vào tuần giãn cách thứ 3. Ba tuần giãn cách là TP sôi động nhất cả nước chấp nhận "chậm lại" để ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Do đó, ngay sau khi tiếp nhận 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Nhật Bản, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã quyết định phân bố ngay cho TP HCM chống dịch.

Bộ Y tế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Tại buổi lễ khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã cùng với TP HCM xây dựng kế hoạch tiêm chi tiết, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tiêm chủng trên địa bàn. Trọng tâm lần này là TP HCM tập trung tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao để ngăn chặn lây nhiễm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. "Mục tiêu là tiêm tới đâu, an toàn tới đó. Nếu không may xảy ra các tình huống tiêm chủng, lực lượng y tế trực thuộc bộ sẽ hỗ trợ tối đa cho các tình huống" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về việc tiêm đại trà, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành y tế sẽ cố gắng để người dân tiếp cận nguồn vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất. Tuy nhiên, do vắc-xin khan hiếm trên phạm vi toàn cầu, nên bộ cũng đang vận động tích cực, trao đổi, đàm phán với các nhà cung ứng để vắc-xin về nhanh nhất. Trong tháng 7-2021, khi vắc-xin về, ngành y tế sẽ tiếp tục ưu tiên cho TP HCM nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về việc các doanh nghiệp muốn nhập vắc-xin Covid-19 để tiêm cho nhân viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ và Bộ Y tế luôn tạo điều kiện cho tất cả địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vắc-xin. Bộ Y tế sẽ bảo đảm vấn đề nhập khẩu, kiểm định và chất lượng vắc-xin khi các doanh nghiệp tiếp cận. Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp cận được vắc-xin nhưng không có khả năng tiêm thì Bộ Y tế chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế tổ chức tiêm vắc-xin. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã trao đổi với TP HCM lên phương án tiếp cận nguồn vắc-xin của Moderna để cung ứng cho người dân TP.

Tập huấn toàn quốc

Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn tiêm chủng vắc-xin cho 700 điểm cầu trên cả nước, chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất được diễn ra tốt nhất. GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết để công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được an toàn cao nhất, cán bộ y tế phải thực hiện đúng hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, bảo đảm tiêm mũi nào, an toàn mũi ấy.

GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Theo đó, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ gồm: người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi, có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như huyết áp cao, thấp, SpO2 thấp. Những người này phải được tiêm chủng tại cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu và theo dõi tại đó.

Nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm: người đang mắc bệnh cấp tính, sốt hoặc mạn tính đang tiến triển và chưa kiểm soát được; bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vắc-xin Covid-19 chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Bộ Y tế cho biết ngày 19-6, Việt Nam ghi nhận thêm 308 ca mắc mới gồm 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 293 ca ghi nhận trong nước: TP HCM (135), Bắc Giang (49), Bắc Ninh (36), Bình Dương (30), Nghệ An (16), Đà Nẵng (6), Long An (6)… Đến nay, Việt Nam ghi nhận 12.900 ca mắc Covid-19, trong đó 11.213 ca ghi nhận trong nước và 1.687 ca nhập cảnh. Trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27-4, nước ta đã ghi nhận 9.936 ca, trong đó có 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đến nay, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ở nước ta là 5.054 ca. Số ca tử vong là 64. Có 21 tỉnh, thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo