Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho thấy toàn thành phố có 83 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài trên 500 km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 100 km.
Nhiều ưu thế nhưng "lép vế" về đầu tư
Đánh giá về tiềm năng giao thông thủy, theo Sở GTVT, hệ thống đường thủy nội địa của TP HCM kết nối thuận lợi theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, hệ thống giao thông thủy thông qua các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp để ra biển Đông tạo nên các tuyến giao thương quốc tế. Trên hệ thống đường thủy còn có nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng như Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi...
Sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng phát triển giao thông thủy
Với hệ thống kênh rạch phong phú như vậy nhưng Sở GTVT nhìn nhận sản lượng khai thác hàng hóa và hành khách rất khiêm tốn. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố, nhận định vận tải đường thủy có nhiều ưu thế nổi trội nhưng chưa được định vị tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, lượng lớn hàng hóa, hành khách chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, trong khi chi phí cao hơn 10%-60% so với đường thủy. Bất cập này cũng khiến nguy cơ ùn tắc, tai nạn trên hệ thống giao thông đường bộ chưa được giảm thiểu.
Về nguyên nhân, ông Bùi Hòa An chỉ ra tỉ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa so với toàn ngành giao thông chưa cao. Tại TP HCM, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm 34,67% so với vận tải bằng đường bộ, tuy nhiên tỉ trọng đầu tư cho đường thủy tính cho 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư xây dựng mạng lưới đường bộ.
Hành khách tham gia tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông (TP Thủ Đức)
Ngoài ra, tuyến luồng giao thông đường thủy nội địa bị hạn chế bởi độ sâu luồng và tĩnh không, khẩu độ các cầu trên tuyến chưa đạt nên các tàu tải trọng lớn không thể lưu thông. Việc chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố cũng như quỹ đất dọc theo hành lang trên bờ sông, kênh, rạch dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn hạn chế. Chưa có quy định sử dụng quỹ đất này...
4 giải pháp khai mở
Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết để nâng tầm giao thông thủy, Sở GTVT đã đề xuất 4 giải pháp ưu tiên thời gian tới. Trước mắt là thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới.
Kế đến tập trung kêu gọi đầu tư các tuyến vận tải tầm ngắn dưới 10 km. Đồng thời, mở nhiều tuyến thủy tầm trung (từ 10 - 60 km) như tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm - Bến Lức phục vụ khách du lịch nội thành qua các khu dân cư hai bên tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm...; tuyến Sài Gòn - Hiệp Phước kết nối trung tâm thành phố với cảng, bến du lịch quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ. Riêng tuyến du lịch đường thủy tầm xa, lãnh đạo Sở GTVT cho biết đang kêu gọi đầu tư khai thác tuyến đi miền Tây Nam Bộ (ĐBSCL).
Đối với du lịch đường biển, giai đoạn 2020-2025 tập trung kêu gọi đầu tư tuyến vận tải hành khách TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại, dự kiến đưa vào khai thác tuyến đầu năm 2023 khi cầu bến phía huyện Côn Đảo hoàn thành xây dựng. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cảng du lịch quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7)... Ưu tiên kế tiếp là phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) mới theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức logistics.
Cảnh đìu hiu trên các tuyến giao thông thủy được tin rằng sẽ sớm chấm dứt
Để những tuyến thủy dần hình thành theo quy hoạch, bảo đảm cơ sở pháp lý, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM yêu cầu các địa phương và TP Thủ Đức sớm cập nhật vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương với khoảng 411 vị trí định hướng đầu tư giai đoạn 2020-2030. "Sở cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ GTVT chuyển các tuyến, đoạn tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn TP HCM thành tuyến đường thủy nội địa địa phương để chủ động phát triển tuyến theo nhu cầu, gồm tuyến kênh Tẻ - kênh Đôi, rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô và 2 đoạn tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức, sông Cần Giuộc. Cùng với đó, kiến nghị UBND TP HCM bố trí vốn cho từng giai đoạn đầu tư phát triển các dự án phù hợp tình hình thực tế" - Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay.
Nhiều lợi ích
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng với định hướng phát triển TP HCM tầm nhìn đến năm 2045 thì thành phố không thể thiếu hệ thống giao thông thủy.
Giao thông thủy không chỉ gắn với phát triển kinh tế - xã hội như thúc đẩy du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng sông nước mà còn là huyết mạch vận chuyển hàng hóa, vật tư của người dân. Khi phát triển du lịch, giao thông thủy sẽ tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp trên sông, kênh rạch và hai bên bờ.
Theo TS Thuận, đến lúc TP HCM quan tâm nhiều hơn để phát triển tiềm năng sông, kênh, rạch. Đây là việc làm ý nghĩa, mang giá trị văn hóa sông nước của người dân Nam Bộ, đồng thời là nguồn lực để phát triển các bến cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố khi kết nối với toàn khu vực ĐBSCL.
Mở rộng bến bãi để thu hút khách
Là người mê khám phá, khi tuyến buýt sông số 1 (bến Bạch Đằng đi Linh Đông, TP Thủ Đức) hoạt động, chị Nguyễn Thị Trúc Nhân ở quận Tân Phú lập tức hưởng ứng. Mỗi tháng ít nhất 1 lần đi buýt sông để "đổi gió", chị Nhân cho biết trước giờ chỉ tham gia giao thông đường bộ, chán ngán với cảnh kẹt xe, khói bụi nên khi bước lên buýt sông có cảm giác thoải mái, thư giãn thật sự.
Theo chị Nhân, các tuyến vận tải thủy khác như tàu cao tốc TP HCM - Vũng Tàu, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu... hay tàu du lịch dọc sông Sài Gòn - Củ Chi - Thủ Dầu Một chạy thẳng hành trình, không ghé các bến khách trên sông Sài Gòn nên hạn chế tiếp cận hành khách. Chính hạn chế này khiến giá vé giao thông thủy thường cao hơn đường bộ. "Để giao thông thủy dễ tiếp cận hơn người dân, thành phố cần đầu tư, mở rộng hệ thống bến bãi để kéo thêm nhiều hành khách lên tàu" - chị Nhân đề xuất.
Bình luận (0)