Ngày 22-11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam", nhân kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23.11.1940 - 23.11.2020).
Dấu ấn không phai mờ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam - Thành đồng Tổ quốc. Là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập tự do và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần cho đại thắng Mùa xuân 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"80 năm qua, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử ghi rất đậm nét nhưng chắc chắn còn nhiều vấn đề để chúng ta có thể bổ sung, tôn vinh tương xứng với tầm vóc của lịch sử. Hội thảo hôm nay là chúng ta tiếp tục thực hiện theo tinh thần ấy" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm sâu sắc hơn nội dung chủ yếu: Khởi nghĩa Nam Kỳ - Bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cuộc tập dượt lịch sử tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cũng theo GS Nguyễn Xuân Thắng, 80 năm qua, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa không ngừng được hun đúc và tỏa sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng miền Nam và cả nước, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
"Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tinh thần, ý chí và hào khí đó trở thành khát vọng phát triển quê hương, đất nước; phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của Nam Bộ thành đồng nói chung, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nói riêng, trở thành động lực và nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; biến sự kiên cường, thông minh, gan dạ trong chiến đấu trở thành bản lĩnh kiên trì, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, hết mực trung thành với Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" - ông Thắng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo ngày 22-11 Ảnh: Trần Thắng
Thu hút nhiều tầng lớp, giai cấp
Theo ThS Nguyễn Văn Biểu, Viện Sử học Việt Nam, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy bị thực dân Pháp dập tắt vì nhiều nguyên nhân nhưng đã cho thấy đây là cuộc nổi dậy thu hút được nhiều tầng lớp, giai cấp, dân tộc tham gia và là cuộc khởi nghĩa quyết liệt trên khắp Nam Kỳ, phạm vi rộng lớn hơn so với các cuộc khởi nghĩa trước đó. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã tiếp nối truyền thống đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào, nhân dân Nam Bộ "đi trước về sau".
PGS-TS Trần Thị Thu Hương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại nhiều bài học lịch sử vô giá cho Cách mạng Việt Nam, trong đó bài học "Ý Đảng - Lòng dân" vẫn còn giá trị hiện hữu cho đến nay. Khởi nghĩa Nam Kỳ là sự phản kháng tất yếu khách quan của các giai tầng nhân dân Việt Nam đối với giặc ngoại xâm, khẳng định "không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản" với phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng; phản ánh tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Khởi nghĩa Nam Kỳ minh chứng cội nguồn sức mạnh của Đảng chính là sự gắn kết giữa Đảng với dân, Đảng tin dân - Dân tin Đảng.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã làm rõ bối cảnh lịch sử, quy mô, tính chất và thành quả của cuộc khởi nghĩa; đồng thời, khẳng định truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân Nam Kỳ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; nêu bật ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam; phát huy tinh thần quật khởi và ý chí, quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc của Khởi nghĩa Nam Kỳ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Quốc kỳ khẳng định độc lập, tự chủ
Theo TS Lê Văn Tý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, tháng 3-1940, khi Xứ ủy Nam Kỳ triển khai đề cương khởi nghĩa thì cùng lúc ông Phan Văn Khỏe (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho) được Xứ ủy giao thiết kế mẫu lá cờ Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Tháng 8-1940, ông Khỏe giao Quận ủy Châu Thành tổ chức mua vải và may lá cờ đỏ sao vàng thật to theo thiết kế của ông Lê Quang Sô, chuẩn bị hiệu triệu cho cuộc khởi nghĩa.
Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà làm việc ở xã Long Hưng, ông Đặng Văn Hiệp (Bí thư Chi bộ xã Long Hưng) cùng ông Nguyễn Văn Tốt treo lá cờ lên trên chót vót ngọn cây bàng tại đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Cờ đỏ sao vàng cũng xuất hiện khắp tỉnh Mỹ Tho. Quốc kỳ - lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh kết tinh suốt hàng ngàn năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, bền bỉ chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước; khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Bình luận (0)