Dù rất bận rộn với vai trò đạo diễn, bố trí không gian chuẩn bị cho Ngày hội sen Đồng Tháp 2017 diễn ra tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công (trụ sở tại phường 4, TP Cao Lãnh) Ngô Chí Công (28 tuổi) vẫn tranh thủ dành thời gian kể cho chúng tôi nghe con đường đến với những lá sen đầy tiềm năng trên quê hương mình.
Duyên nợ với sen quê
"Lúc nhỏ, tôi mê sen đến quên ăn quên ngủ. Từ đó, luôn suy nghĩ làm sao để sen quê mình trở thành những sản phẩm độc đáo, đặc trưng. Tôi ước sen quê tôi không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn xa khắp thế giới" - Ngô Chí Công nhớ lại.
Sau 6 năm học tập và làm việc ở Pháp, với tấm bằng thạc sĩ, anh tích lũy được nhiều kiến thức kinh doanh, kỹ năng chăm sóc khách hàng, trưng bày sản phẩm… Từ đó, anh quyết khởi nghiệp bằng giấc mơ duy trì đời sống của sen để xuất khẩu. Về nước, anh đầu tư kho bảo quản nguyên liệu, phòng thí nghiệm và lò sấy sen, thành lập doanh nghiệp gắn liền với biểu tượng hoa sen Đồng Tháp.
Doanh nhân trẻ Ngô Chí Công bên sản phẩm mới của mình tại Ngày hội sen Đồng Tháp 2017
Ngô Chí Công cho biết sen là cây tương đối dễ trồng, ít bệnh hơn những loại cây khác. Khó khăn nhất trong việc bảo quản sen là ở chỗ loài hoa này rất dễ rụng cánh và mau héo. Vì vậy, anh phải tìm hiểu nhiều biện pháp ướp hoa tươi của nông dân ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) rồi cải tiến theo phương pháp của riêng mình.
Đến nay, sản phẩm hoa sen ướp của Ngô Chí Công đã dần hoàn thiện và thành công. Bình quân, chỉ cần 7 ngày để tạo nên một bông hoa và 3 ngày để sản phẩm ổn định bán ra thị trường. Lá sen tươi sau khi chọn lựa kỹ sẽ được sấy theo công nghệ riêng. Sau đó, qua xử lý rồi ốp vào các sản phẩm chuyên dụng để tạo ra những vật dụng mang giá trị mới với công nghệ bảo quản, giúp thời gian sử dụng dài hơn.
Hiện với vùng nguyên liệu có sẵn tại TP Cao Lãnh, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp của anh có thể sản xuất trên 2.000 hoa sen ướp phục vụ người tiêu dùng và con số này đang hứa hẹn sẽ phát triển nhanh trong tương lai gần. Điều đáng mừng là mới đây, một doanh nghiệp của Nhật Bản đã liên hệ với anh trong việc hợp tác thực hiện quy trình bảo quản hoa sen tươi cắt cành phục vụ cho thị trường Nhật, Campuchia, Myanmar và một số thị trường khác. Ước mơ đưa sen Đồng Tháp vươn ra khắp thế giới của Ngô Chí Công vậy là thêm cơ hội mới.
Anh Công phấn khởi: "Hiện tại, việc kinh doanh của công ty có nhiều chuyển biến tốt, thị phần dần rộng mở. Chúng tôi đang tập trung đa dạng hóa loại hình sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước".
Trong Ngày hội sen Đồng Tháp 2017 diễn ra vào tháng 9, ngoài việc quảng bá các sản phẩm độc đáo của mình, doanh nghiệp của Ngô Chí Công còn cho ra mắt những chiếc áo dài "đặc biệt" với chất liệu từ sen. Đấy cũng là một sản phẩm mới lạ từ sen đang chờ đợi người giám đốc trẻ tài hoa "biến hóa" từ cái duyên, cái nợ với sen Đồng Tháp.
Mê cây trái quê nhà
Anh Nguyễn Văn Thật (32 tuổi), Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), xuất thân trong gia đình thuần nông. Tiếp chúng tôi, anh nói: "Mình rất mê trồng trọt, chăn nuôi từ tấm bé. Lớn lên, mình đặc biệt chú ý cây chanh không hạt là loại phát triển tốt ở quê mình. Loại cây này chiếm nhiều ưu thế về năng suất, chất lượng, có khả năng giúp nông dân thoát nghèo nhanh, bền vững nếu giải quyết được khâu tiêu thụ".
Mê là làm. Được gia đình hỗ trợ tích cực, anh thành lập cơ sở với quy mô khá lớn, thiết bị hiện đại, chuyên thu mua chanh không hạt để xuất khẩu. Cơ sở thu hút trên 20 lao động thường xuyên với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thật
Không kể nhiều về những vất vả khi tìm đầu mối tiêu thụ nhưng anh Thật phấn khởi cho biết cơ sở đang bình quân mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 7 tấn trái với giá dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg; mỗi tuần xuất sang các nước Trung Đông 1 container với khoảng 23 tấn trái. Ổn phần tiêu thụ, bây giờ anh đầu tư tiếp vườn ươm cây giống trên 10.000 m2 để có trên 300.000 cây con/năm phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh.
Điều đáng phấn khởi là sản phẩm chanh không hạt của HTX Thạnh Phước mới đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền.
Táo bạo nhưng khoa học
Trong khi nhiều hộ nuôi heo phá sản vì chi phí cao mà khó khăn đầu ra thì anh Đoàn Phan Dinh (ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) lại đang từng bước mở rộng chăn nuôi và kinh doanh heo.
Tiếp chúng tôi trong nụ cười tự tin, anh Dinh nói: "Người ta nuôi lỗ còn mình vẫn lời, đó mới là bí quyết. Ăn thua mình gan và biết tính toán hợp lý, khoa học, thực tế thôi".
Anh kể lúc nhỏ rất mê làm bác sĩ nhưng 18 tuổi lại nhận ra chỉ phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Rồi anh chọn giống heo rừng làm sản phẩm chiến lược vì chúng có nhiều lợi thế: ăn tạp, thịt ngon, giá cao, dễ chế biến và ít rủi ro. So với heo nhà thì heo rừng khỏe hơn rất nhiều vì rất ít mắc bệnh.
Anh Đoàn Phan Dinh
Để làm được điều mong muốn, năm 2011, anh bắt đầu bằng việc theo học ngành chăn nuôi động vật hoang dã ở Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ. Ra trường vào năm 2015, tròn 24 tuổi, anh thành lập Công ty TNHH TM & DV Heo rừng và làm giám đốc. Ban đầu, nhiều người trong gia đình ái ngại trước sự đầu tư táo bạo của anh nhưng chỉ một thời gian ngắn, mọi hoài nghi tan biến.
Anh Lê Việt Hòa, một đại lý của anh Dinh, nói: "Những người như anh Dinh rất nhanh nhạy, thông minh, tính toán giỏi, có tầm nhìn xa, táo bạo nhưng trên nền tảng khoa học vững chắc, không thành công mới là chuyện lạ".
Anh Đoàn Phan Dinh cho biết thực ra, để thành công thì phải mạnh dạn áp dụng nhiều nguyên tắc. Chẳng hạn, ở mỗi giai đoạn trưởng thành, heo cần có môi trường phù hợp nên chuồng trại, thức ăn đều phải có những tiêu chuẩn riêng. "Tôi đã áp dụng 2 công nghệ mới là công nghiệp vi sinh và sinh học hữu cơ kết hợp thảo dược. Chính vì thế, sản phẩm bảo đảm tuyệt đối an toàn, không chất gây hại".
Hiện nay, trên 30 trang trại và hàng trăm đại lý ở vùng ĐBSCL đã ký liên kết với anh Dinh để nuôi heo rừng theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với biện pháp quản lý bằng hệ thống camera và quy trình chăn nuôi do anh đề ra.
Phương châm "Người nuôi có lời, người ăn có lợi"
Trang trại heo của anh Đoàn Phan Dinh hiện trên 2.000 m2. Thức ăn chủ yếu mà trang trại sử dụng cho heo thường là trái cây "dạt", lục bình, cơm thừa, hèm bia, rau muống, cây chuối... - những thứ không phải khó kiếm ở vùng quê này. Anh Dinh cho biết đấy là mình đang theo đuổi phương châm "Người nuôi có lời, người ăn có lợi". Phương châm này đã giúp anh mỗi năm yên tâm xuất bán từ 50-60 tấn heo hơi từ trang trại của công ty và thu mua của các hộ dân do anh đầu tư giống, kỹ thuật chăn nuôi. Trừ các khoản chi, anh lãi ròng từ 1-2 tỉ đồng/năm.
Không chỉ "mát tay" với heo thương phẩm, anh Dinh còn rất thành công trong sản xuất heo con với bình quân mỗi con nái đẻ trên 12 con/lứa, mỗi năm đẻ 2 lứa. Riêng thu nhập từ heo con đã mang về trên 500 triệu đồng/năm.
Bà Trần Thị Oanh, thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, nhận xét về giám đốc Nguyễn Văn Thật: "Tuổi còn trẻ nhưng điều hành HTX rất thành công, tiến độ xuất khẩu ngày càng tăng, thu nhập của xã viên từ đó tăng theo. Gần gũi, chân tình với mọi người, chăm lo tốt đời sống các thành viên lẫn người lao động nên chúng tôi rất quý".
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)