Tại họp báo sáng 21-2, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển" sẽ diễn ra ngày 27-2 tại Hà Nội, được kết nối tới 63 điểm cầu ở trụ sở tỉnh, Thành ủy hoặc UBND các tỉnh, thành. Sự kiện quan trọng này do Bộ VH-TT-DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.
80 năm vẹn nguyên giá trị
Tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở làng Võng La, xã Việt Thắng, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là Hà Nội). Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho hay hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Đồng thời, huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa, cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, trí thức, văn - nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 Ảnh: LAN PHƯƠNG
Hội thảo cũng làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương thông tin thêm hội thảo gồm 2 nội dung chính: "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam" và "Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới". Sau phát biểu khai mạc, đề dẫn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày, hội thảo sẽ có phần trình bày tham luận dưới nhiều góc độ từ các nhà quản lý, chuyên gia uy tín; lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, TP HCM... Tham gia phần thảo luận bàn tròn có các nhà quản lý, chuyên gia, văn nghệ sĩ với tiếng nói uy tín nhằm kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhiều sự kiện quan trọng
Theo chương trình dự kiến, Đoàn chủ tọa hội thảo gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông.
Cùng với 150 đại biểu tham dự trực tiếp, hội thảo với sự có mặt của đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành; các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông...
Trong khuôn khổ hội thảo, chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam do Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử", dự kiến diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 28-2, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.
Cũng nhân dịp này, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bộ phim nhìn lại chặng đường dài kể từ khi bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2-1943 đến nay. Phim cũng nhằm phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của đề cương cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943-2023) sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28-2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và Nhà hát Lớn Hà Nội. Dự kiến có khoảng 80 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm với 2 nội dung chính là ảnh tư liệu và ảnh nghệ thuật. Trong đó, ảnh tư liệu gồm những hình ảnh về bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, hình ảnh về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, văn - nghệ sĩ. Nội dung ảnh nghệ thuật gồm các hình ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, các hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật những năm gần đây...
Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật trung ương - cho rằng nhìn lại 93 năm qua từ khi Đảng ta ra đời cho đến hôm nay và 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 của Đảng, chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đầy hy sinh, gian khổ.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Ba nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa", đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bình luận (0)