Ngày 20-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022; định hướng, giải pháp phát triển KT-XH năm 2022 và các năm tiếp theo.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã thảo luận về tình hình phát triển KT-XH của Bình Phước thời gian qua; góp ý các định hướng, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Bình Phước. Các đại biểu đã thảo luận về cơ chế chính sách, đầu tư nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng để Bình Phước và các tỉnh trong khu vực phát huy tính tự lực, tự cường, phát triển nhanh và bền vững.
Bà Nguyễn Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,32% - mức tăng trưởng cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 20 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng, thu ngân sách đạt 13.675 tỉ đồng - tăng 18% so với năm 2020.
Trong năm 2021, có 63 dự án đầu tư nước ngoài vào Bình Phước với số vốn 514 triệu USD - tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã ghi nhận năm 2021, Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về ba nội dung quan trọng: Kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và về chứng thực điện tử.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành một số nội dung: về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 753; xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) và dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành; thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và ký tên lên sản phẩm của Nhà máy Hayat Kimya (tỉnh Bình Phước)
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí về chủ trương với các đề xuất của Bình Phước; cho rằng đây là những đề nghị hết sức xác đáng của tỉnh nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để địa phương phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Bình Phước cần phối hợp với các tỉnh lân cận và các bộ, ngành trung ương xem xét, nghiên cứu thấu đáo nhiều mặt. "Sau chuyến công tác này, các bộ, ngành triển khai ngay các nhiệm vụ liên quan" - Thủ tướng chỉ đạo.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trọng tâm là 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng, Bình Phước cần nghiên cứu, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực và cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một trung tâm động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Đề nghị Bình Phước phát huy tinh thần tự lực, tự cường; mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, khoa học hơn nữa; phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển hiện đại, phát triển có hiệu quả, bền vững và bao trùm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến lễ trao văn bản chấp thuận đầu tư khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất các dự án trên địa bàn Bình Phước gồm: khu đô thị du lịch hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ Bình Phước cho Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group); dự án tổ hợp giáo dục FPT cho Công ty CP Tập đoàn FPT; dự án sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành cho Công ty CP Phúc An Khang.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực tế tại khu vực cầu Mã Đà, huyện Đồng Phú; dự lễ khánh thành nhà máy của Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Kiến nghị về vốn cho dự án đường cao tốc Vành đai 3
Trước đó, ngày 19-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bố trí đủ 50% vốn ngân sách trung ương theo tiến độ giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 2 năm 2023 - 2024 cho dự án đường cao tốc Vành đai 3 với TP HCM; chấp thuận cho Bình Dương được chủ động đầu tư các đoạn còn lại của dự án đường cao tốc Vành đai 4 từ nguồn vốn hỗn hợp để tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến qua địa bàn trong năm 2024.
Bình Dương cũng kiến nghị Thủ tướng về lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa các DN, đồng thời kiến nghị cho phép tỉnh tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Tổng Công ty Becamex IDC) và cho Becamex IDC tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2025...
Thủ tướng cơ bản đồng tình, ủng hộ các kiến nghị liên quan dự án Vành đai 3 và vành đai 4 TP HCM. Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của Bình Dương trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan.
Bình luận (0)