xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà

Nguyễn Hưởng

Ông Trần Bắc Hà bị bắt tạm giam cùng 3 thuộc cấp nguyên là lãnh đạo, cán bộ của BIDV vì liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại ngân hàng này

Ngày 29-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với các bị can gồm: ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh. Riêng bị can Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vi phạm quy định hoạt động ngân hàng

Việc thi hành lệnh bắt, khám xét đối với các bị can nêu trên có liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại BIDV và đã được VKSND Tối cao phê chuẩn. Cả 4 bị can cùng bị khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", theo quy định tại điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà - Ảnh 1.

Ông Trần Bắc Hà

Trước đó, tại kỳ họp 26 diễn ra từ ngày 28 đến 30-5, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã cho ý kiến về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn, làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động BIDV.

Khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà - Ảnh 2.

Ông Trần Lục Lang

Ông Trần Bắc Hà với cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Cụ thể, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà - Ảnh 3.

Ông Kiều Đình Hòa

Đối với ông Đoàn Ánh Sáng - lúc đó là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV và ông Trần Lục Lang - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Vân Anh

Sai phạm rất nghiêm trọng

UBKT Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng; vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và BIDV, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Tại kỳ họp thứ 27, trong 2 ngày 27 và 28-6, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương. UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà; cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang…

Tại phiên xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại VNCB vào tháng 1-2018, liên quan đến khoản vay 4.700 tỉ đồng của VNCB, HĐXX nhiều lần triệu tập ông Trần Bắc Hà nhưng ông đều có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang chữa bệnh tại Singapore.

Theo tài liệu, ông Phạm Công Danh lập các hồ sơ vay vốn khống (4.700 tỉ đồng) để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.700 tỉ đồng. Ông Danh còn dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay. Sau khi BIDV chấp thuận giải ngân cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Danh sử dụng. Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.

Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà, lúc đó là Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV, đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập.

BIDV khẳng định hoạt động ổn định

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động vào cuối ngày 29-11 về việc ông Trần Bắc Hà và 3 nguyên lãnh đạo của BIDV, BIDV Hà Tĩnh bị bắt có ảnh hưởng gì đến BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, khẳng định mọi hoạt động của BIDV diễn ra ổn định, thông suốt, mọi lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng, cổ đông được bảo đảm. HĐQT BIDV cũng đã quyết định ông Trần Lục Lang thôi giữ chức phó tổng giám đốc nên cũng không ảnh hưởng gì. "Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam và với hệ thống quản trị theo chuẩn mực nên mọi hoạt động của BIDV luôn bảo đảm duy trì liên tục, ổn định và phát triển, góp phần vào việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm cân đối vĩ mô của đất nước mà không bị ảnh hưởng của sự việc nêu trên" - ông Tú nhấn mạnh.

T.Thơ

Tầm ảnh hưởng lớn, sóng gió nhiều

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông bắt đầu làm việc tại BIDV năm 1981, từng giữ các chức vụ giám đốc Sở Giao dịch III của BIDV, giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV. Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định và giữ chức vụ này tới năm 1999.

Tháng 10-1999, ông Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc BIDV, đến tháng 5-2002, là ủy viên HĐQT BIDV, tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 1-2008 là chủ tịch HĐQT BIDV và sau này là chủ tịch HĐTV BIDV. Sau 35 năm gắn bó với BIDV, ông nghỉ hưu từ tháng 9-2016.

Ngoài BIDV, ông Trần Bắc Hà còn là chủ tịch HĐQT hàng loạt doanh nghiệp, như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC), Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC)... Ông Hà còn được biết đến với vai trò là chủ tịch các Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Lào (AVIL), Myanmar (AVIM).

Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV không ngừng lớn mạnh. Từ một ngân hàng với nguồn vốn chưa đến 13.500 tỉ đồng vào năm 2008, nay đã đạt hơn 34.000 tỉ đồng. Tổng tài sản của BIDV từ dưới 250.000 tỉ đồng tăng lên trên 930.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 13% tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam; lợi nhuận từ 2.000 - 3.000 tỉ đồng vọt lên 6.000 - 8.000 tỉ đồng/năm. Nhân sự của BIDV từ chỉ hơn chục ngàn người nay đã lên đến trên 24.000 người - nhiều nhất trong số các NH TMCP, chỉ đứng sau Agribank (hơn 40.000 người).

Có tầm ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng, tài chính nhưng những sóng gió liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng không ít. Giai đoạn 2010-2012, Ngân hàng Phương Nam, do ông Trầm Bê làm chủ, gặp khó khăn về thanh khoản. Ông Trầm Bê dùng tài sản của mình lẫn tài sản của Ngân hàng Phương Nam thế chấp để vay hàng ngàn tỉ đồng từ BIDV. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, ông Trầm Bê lại thu gom cổ phiếu, thâu tóm NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Về số tiền vay này, phải mất thời gian dài BIDV mới thu hồi đầy đủ.

Khi hàng loạt các vụ đại án xảy ra trong ngành ngân hàng, tháng 2-2013, dư luận đồn đoán ông Hà bị bắt, kéo theo hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, thị trường chứng khoán tại Việt Nam "bốc hơi" gần 30.000 tỉ đồng. Ngày 8-8-2017, lại xuất hiện tin đồn ông Hà bị bắt, lập tức giá cổ phiếu "bốc hơi" 2 tỉ USD.

Với việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, mọi đồn đoán về hành tung của ông xem như chấm dứt.

Thy Thơ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo