Sau hơn 2 tháng Báo Người Lao Động có bài phản ánh "Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng", trung tuần tháng 9, chúng tôi trở lại các tiểu khu 556, 557, 561, 562, 544A, 544B, Khe Ngầm, thôn Xuân Phong, thôn Xuân Thượng, xã Đạ Pal; 541, 545, xã Quảng Trị và 564, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh tìm hiểu thêm vụ việc.
Ngổn ngang cây rừng bị đốn hạ
Ngày 13-9, phóng viên Báo Người Lao Động vào khu vực rừng bị phá ở Tiểu khu 545. Tại đây đã có khoảng 5-6 người mặc sắc phục lực lượng chức năng của huyện Đạ Tẻh. Dù đã xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết nhưng lực lượng chức năng ở đây không cho phóng viên tác nghiệp, yêu cầu chúng tôi phải xuống núi. "Anh đi xuống đi. Bây giờ chúng tôi đang làm việc, không có chương trình cho các anh tác nghiệp" - một người xưng tên Đỗ Văn Phong, cấp bậc trung tá, cho biết là điều tra viên thuộc Công an huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), cương quyết. Để tránh bị xung đột giữa rừng, chúng tôi buộc phải tránh đi. Sau đó, chúng tôi âm thầm quay lại khu vực này ghi nhận cảnh phá nát rừng phòng hộ như người dân phản ánh.
Tại đây, có nhiều điểm khai thác gỗ trên con đường mòn dẫn ngược lên núi. Có đến hơn 100 lóng gỗ bị lâm tặc cưa thành từng khúc từ hàng chục cây gỗ đường kính 30 - 110 cm nằm la liệt. Tại hiện trường đã có dấu búa của kiểm lâm kiểm tra ngày 29-8-2018. Cũng tại tiểu khu này cũng xuất hiện 2 lò than đang hoạt động.
Điểm đầu tiên có khoảng hơn 30 lóng gỗ nằm ngổn ngang xung quanh, gần 10 cây gỗ đường kính từ 35 - 110 cm bị các lâm tặc cưa hạ còn trơ gốc. Vị trí này có 1 lò than (đường kính lò 2 m, sâu 1,1 m) đang còn than hầm. Đi thêm khoảng 500 m đường dốc nữa, chúng tôi phát hiện điểm tập kết gỗ thứ 2 ngay đường mòn hằn sâu vết bánh xe máy. Tại đây có tới hơn 80 lóng gỗ và xung quanh có hơn 10 cây gỗ đường kính hơn 70 cm, cạnh đó có 1 lò than khác. Thậm chí, những cây rừng đường kính lên đến 3, 4 người ôm không xuể cũng đã bị đốn hạ.
Tại thời điểm tiếp cận các điểm phá rừng, những người dân địa phương đi hái măng cho biết tình trạng phá rừng ở đây vẫn diễn ra thường xuyên để lấy gỗ và lấn chiếm đất làm nông nghiệp.
Hàng loạt cây rừng bị triệt hạ nằm ngổn ngang tại tiểu khu 545 rừng phòng hộ Đạ Tẻh
Thừa nhận có phá rừng
Ngày 17-9, ông Nguyễn Bá Khai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (đơn vị chủ rừng), thừa nhận có tình trạng phá rừng như bài báo "Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng" trên Báo Người Lao Động ngày 10-6 nhưng so với 3 năm trước thì đã giảm. "Vẫn còn một số trường hợp vào rừng hạ cây lấy gỗ và lấn chiếm đất làm nương rẫy vì mưu sinh. Phần lớn các đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số ở thị trấn Đạ Tẻh và xã Đạ Pal, Triệu Hải" - ông Khai nói.
Ông Trần Lưu Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh, cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, ngày 26-6, Hạt Kiểm lâm này đã mật phục và phát hiện các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, các đối tượng đã nhanh chân bỏ chạy. "Chúng tôi đã lập biên bản tịch thu 7 hộp gỗ xẻ, khối lượng hơn 0,8 m3 đưa về hạt kiểm lâm xử lý" - ông Dũng thông tin.
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết tại Tiểu khu 545, chủ rừng đã có báo cáo rừng bị phá và UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra. Theo ông Hùng, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 2 đối tượng là bà Nguyễn Thị Tâm cùng chồng Lê Cao Thìn (cư trú thôn 10, xã Đạ Kho) đang đốt than, số lượng gỗ thiệt hại ban đầu hơn 15 m3. "Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ sang công an huyện tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ để khởi tố bị can" - ông Hùng nói.
Báo chí giúp để bảo vệ rừng
Ông Lê Mậu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), cho biết: "Việc phóng viên Báo Người Lao Động phản ánh tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng là việc làm hết sức tích cực; giúp lãnh đạo và chính quyền địa phương và các cấp có thêm thông tin thực hiện tốt trong công tác chỉ đạo điều hành ngày càng quyết liệt hơn. Đồng thời, qua đó góp phần tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng và đấu tranh tố giác tội phạm vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương".
Đề cập đến tình trạng phá rừng ở huyện Dạ Tẻh mà Báo Người Lao Động đã phản ánh trước đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, bảo: "Rất cảm ơn phóng viên, nhà báo đã thông tin để anh em tăng cường chỉ đạo trong công tác quản lý xử lý vụ việc. Tuy nhiên, khi anh em nắm thông tin gì thì cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng đưa tin hài hòa chứ đừng đưa thông tin quá "hót" làm người đọc bài nghĩ anh em vô trách nhiệm". Ông Sơn cũng cho rằng văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng để phản hồi về bài báo "Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng" là do ông Thiên, cấp phó thực hiện chứ ông không nắm(!?)
Bình luận (0)