xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền

Văn Duẩn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng

Sáng 21-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 8 QH khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà QH, thủ đô Hà Nội.

Kiên trì đấu tranh

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận lợi khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020. Theo Thủ tướng, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao.

"Đảng và nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế" - Thủ tướng nêu.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế sau đó cũng khẳng định về tình hình biển Đông, việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng, nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được thực thi, thể hiện lập trường, quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền; chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, an ninh nông thôn, các vùng nhạy cảm.

Không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc

Trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2019 và kế hoạch năm 2020 trước QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ đã ban hành các nghị quyết số 01, 02 và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm.

Do đó, tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8% (thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới). "Kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước" - Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 14,2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp.

Theo Thủ tướng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.

"Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế" - Thủ tướng trình bày.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Theo Thủ tướng, Chính phủ dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020: GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33%-34% GDP.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng miền.

"Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển theo hình thức hợp tác công - tư" - Thủ tướng nói.

Hôm nay, 22-10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2020

Chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đáng chú ý, trong báo cáo, Chính phủ đề xuất từ ngày 1-7-2020, tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Nếu mức tăng lương như trên được QH chấp thuận thì lương cơ sở năm 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).

Phát hiện nhiều sai phạm qua kiểm toán

Đến ngày 30-9, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 61.732 tỉ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu 6.197 tỉ đồng, giảm chi 12.842 tỉ đồng, xử lý khác 42.693 tỉ đồng. Đây là kết quả được KTNN nêu trong báo cáo công tác kiểm toán năm 2019, gửi kỳ họp thứ 8 của QH.

Báo cáo cho biết KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị. Một số cuộc kiểm toán chuyên đề đã phát hiện nhiều sai sót như việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018; thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018... KTNN đánh giá Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH các vùng giai đoạn 2016-2020 khó đạt được mục tiêu và kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên tới 2.534 tỉ đồng.

Về quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.368 tỉ đồng sau khi phát hiện các sai phạm trong giai đoạn 2011-2017. Cơ quan này cũng kiến nghị xem xét xử lý hơn 7,5 triệu m2 và 3 thửa đất tại các địa phương được kiểm toán và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan. Cũng theo KTNN, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình sau 2 lần điều chỉnh đã đội vốn từ hơn 12.900 tỉ đồng lên hơn 26.500 tỉ đồng. Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác ở dự án này số tiền hơn 1.523 tỉ đồng. Trong năm 2019, KTNN đã cung cấp 41 bộ hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan của QH, Ủy ban Kiểm tra trung ương, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng...

Năm 2020, KTNN dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như các dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM); dự án đầu tư xây dựng đường vành đai II, III (TP Hà Nội); dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội... Kế hoạch kiểm toán năm 2020 cũng đưa vào 16 cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại. Đối với lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng, KTNN dự kiến tổ chức 5 cuộc kiểm toán tại Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; 27 công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương; 21 tỉnh ủy, thành ủy; khối các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an và khối các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Công an.

M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo