Đó rõ ràng là một vụ tai nạn. Nhưng không nên xem đây đơn thuần chỉ là một tai nạn.
Ai đã nhiều lần đi máy bay đều thấy khi lên và xuống máy bay bằng ống lồng đều rất tiện lợi và an toàn cho hành khách. Nhưng ở các sân bay quốc tế tại nước ta, số chuyến được dùng ống lồng không nhiều do sân đỗ thường quá tải, đa phần máy bay phải đỗ xa nhà ga, khách buộc phải lên và xuống máy bay bằng cầu thang/xe thang. Cầu thang dốc, lại hẹp, hành khách thường mang vác hành lý hoặc bồng con nhỏ nên khá bất tiện và thiếu an toàn. Đáng lo nhất là phụ nữ đi giày cao gót, người già vào những lúc mưa trơn. Những vụ va vấp, té ngã, chấn thương khi lên và xuống bằng cầu thang máy bay xảy ra như cơm bữa.
Các hãng hàng không đều thấy điều đó, các công ty dịch vụ mặt đất cũng thừa biết, hành khách thỉnh thoảng cũng phản ánh. Thế nhưng, không ai khắc phục tình trạng thiếu an toàn đó, mặc cho khách hàng tự lo, tự chịu. Khi xảy ra tai nạn gây hậu quả thương tâm thì tập trung khắc phục, trong đó chủ yếu là đền bù theo bảo hiểm, rồi đâu lại vào đấy.
Trong lúc chưa thể thực hiện 100% chuyến bay được dùng ống lồng thì có giải pháp khắc phục để tạo sự an toàn tối đa cho hành khách khi lên xuống bằng cầu thang/xe thang hay không? Câu trả lời là có, thừa sức làm được. Ở nhiều nước, các hãng bay dùng cầu thang có thiết kế khác, ít dốc hơn. Hoặc bề mặt các bậc thang được lót tấm cao su hay nhựa mềm, có độ bám tốt. Tay vịn cũng được gia cố để hỗ trợ hành khách... Đầu tư thêm thì tốn kém nhưng là cái lợi về lâu dài của ngành hàng không. Bảo đảm an toàn hết mức có thể cho hành khách cũng là đem lại giá trị cho chính mình.
Do vậy, vấn đề là có chịu làm hay không mà thôi. Nếu chỉ xem cái chết của nữ hành khách nói trên (và nhiều trường hợp khách chấn thương vì té ngã cầu thang/xe thang khác) chỉ là tai nạn thì ngành hàng không, các hãng bay và công ty dịch vụ mặt đất sẽ không nhìn thấu trách nhiệm của mình, không tiến hành các giải pháp khắc phục triệt để những mối nguy, cho dù vẫn luôn miệng khẳng định "xem khách hàng là thượng đế". Nói thẳng ra, đối xử như vậy là xem thường tính mạng hành khách.
Trong những lĩnh vực khác cũng đã có không ít trường hợp tử vong hy hữu như vậy, chẳng thấy ai bị xử lý dù địa chỉ trách nhiệm đã rõ. Như cách đây vài năm, ở TP HCM, có trường hợp người đàn ông chạy đón xe buýt và té xuống hố ga (không nắp đậy), thiệt mạng. Hay trường hợp ở Bình Dương, bé trai tắm mưa và lọt xuống cống thoát nước quên đậy nắp tại một công trình đang thi công , dẫn đến đuối nước thương tâm... Dư luận, báo chí... cùng lên tiếng đề nghị khởi tố vụ án nhưng hầu như những vụ như thế này chỉ xử lý phần trách nhiệm dân sự.
Tính mạng con người bao giờ cũng đáng quý nhất. Cái chết của nữ hành khách đi máy bay cách đây mấy hôm lẽ nào không đủ thức tỉnh những người làm kinh doanh về giá trị bất biến này?!
Bình luận (0)