Việc các đối tượng xấu xưng có mối quan hệ quen biết với cán bộ lãnh đạo cao cấp ở một tỉnh hay bộ, ngành chỉ để ra oai, "chém gió" âu cũng là chuyện thường. Nhưng xưng thế để xin xỏ thì nó lại khác. Xin tiền, xin chức, xin dự án... thôi thì lắm cách lắm kiểu, muôn hình vạn trạng, có cả lừa đảo chứ không chỉ xin, nên có khi là câu chuyện của pháp luật.
Mới đây, ngày 10-1, Công an quận 1, TP HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Dương Thái (ngụ quận Thủ Đức, nay thuộc TP Thủ Đức) để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thái xưng có cấp hàm thượng tướng công an, có nhiều mối quan hệ thân tình với lãnh đạo các bộ, ngành và TP. Thế mà ít nhất vẫn có 3 nạn nhân tin để đưa cho Thái rất nhiều tiền nhằm xin một "ghế" trong lĩnh vực xây dựng của TP mới Thủ Đức, xin chuyển vào công tác tại một trường ở quận 1, xin cho cháu vào học tại trường có tiếng ở TP.
Báo chí cũng đang "nóng" với việc VKSND TP Hà Nội truy tố Lê Văn Hồng (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục) và Cù Đăng Thành (nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ một phụ nữ đã đưa cho 2 người này hơn 27 tỉ đồng và xe hơi đắt tiền vì muốn chạy một "ghế" vụ phó.
Thực tiễn đủ cho thấy dù mạng lưới bảo vệ an ninh trật tự xã hội của chúng ta là rộng khắp, chế tài pháp luật để điều chỉnh các hành vi lừa đảo hay lợi dụng các mối quan hệ quen biết để trục lợi... cũng đủ cả nhưng chúng ta phải khẳng định tình trạng này đang diễn ra nhan nhản, ngày càng tinh vi và phức tạp.
Cuối năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn trước tình trạng thời gian gần đây xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự. Cụ thể đó là lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai. Đặc biệt, lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông...
Trước "mảng tối" này trong công tác an ninh, trật tự thì ngoài công việc của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ chính mình. Đây cũng là lúc các hội, đoàn, tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc, bằng những câu chuyện có thật để tuyên truyền, giáo dục quần chúng đề cao cảnh giác, chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những toan tính của kẻ xấu.
Đấy cũng là cách thiết thực để an dân!
Bình luận (0)