Việc xóa trạm thu phí ở hầm vượt sông Sài Gòn, UBND TP cho biết là do tình hình kinh tế còn chưa có dấu hiệu phục hồi, người dân và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Vậy là số phận của một trạm thu phí với vốn đầu tư hàng tỉ đồng đã được định đoạt. Tiền tỉ xót lắm chứ nhưng xót đến mấy mà lợi bất cập hại thì cũng bỏ. Ấy là hy sinh lợi ích nhỏ để nhắm vào lợi ích lớn hơn.
Đấy là chưa kể đến một lợi ích khác nữa là lâu nay cái trạm thu phí hầm Thủ Thiêm đặt ngay cửa hầm, cản trở giao thông, dù là chưa xảy ra kẹt xe nhưng tránh sao được khi áp lực giao thông đang ngày càng đè nặng lên cửa ngõ phía Đông TP. Chưa kể lỡ xảy ra sự cố gì trong hầm, phương tiện đồng loạt tháo chạy dồn ra cửa hầm thì tác hại khôn lường. Không ai dám cam đoan những chuyện như thế sẽ không bao giờ xảy ra. Vì thế, việc đặt trạm ở đây là vô lý hết mức. Xóa đi là quá đúng.
Trạm thu phí qua hầm sông Sài Gòn Ảnh: Thành Đồng
Cách đây 5 năm, khi thực hiện các phần liên quan dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng, dù nhiều tiểu dự án chưa nhúc nhích nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đã lập trạm thu phí án ngữ ngay ngõ vào chân cầu Bình Triệu mới khiến dư luận bức xúc vì cho rằng đơn vị này chọn dự án vốn ít làm trước rồi thu phí. Tuy nhiên, CII đưa ra đủ lập luận biện minh cho việc thu phí rồi không thu nhưng quyết không đập bỏ mà chờ các tiểu dự án khác hoàn thành để đến năm 2019 sẽ thu phí trở lại.
Chưa nói đến chuyện thu phí hay không, chỉ với mấy năm tồn tại thì trạm thu phí cầu Bình Triệu ngày càng bộc lộ sự phi lý. Phi lý nhất là việc nơi đặt trạm là chân cầu, là cửa ngõ TP luôn phải đón nhận lưu lượng xe quá lớn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, chưa nói đến việc cách đó vài chục mét là đường tàu hỏa băng ngang.
Nếu đập bỏ trạm thu phí cầu Bình Triệu thì có sự lãng phí vì kinh phí đầu tư xây dựng trạm hơn chục tỉ đồng. Nhưng với lợi ích từ việc lưu thông thông thoáng của một đô thị sôi động như TP HCM, với những nguy cơ không thể tránh khỏi về ùn tắc giao thông ở cửa ngõ TP thì dù có lãng phí đến mấy cũng cần xóa bỏ.
Xóa bỏ cái vô lý để thu lại nhiều lợi ích vô hình khác từ cái có lý thì hay quá. Lợi ích thấy rõ, mà dễ thấy nhất chính là sự thông thoáng đối với các phương tiện khi lưu thông vào nội đô một đô thị đang hướng đến các tiêu chí: Thông minh, văn minh, nghĩa tình.
Bình luận (0)