Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao vào ngày 31-3, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: "Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật"; "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".
Xử nghiêm những kẻ thách thức pháp luật
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời. Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết.
Dẫn chứng 3 vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt đó là vụ xử lý nhóm "báo sạch", vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ đây là 3 vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những xử lý đó là nghiêm minh, kịp thời. Theo ông Võ Văn Thưởng, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "nhạy cảm" đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Cũng trong kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) (từ ngày 28 đến 31-3), UBKTTƯ đã xem xét, kết luận nhiều nội dung, trong đó có xem xét, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan… Những kỳ họp trước đó của UBKTTƯ cũng xem xét thấu đáo, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm khắc đối với sai phạm của nhiều tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng.
Những xử lý của cơ quan chức năng vừa qua đã hiện thực hóa quan điểm và khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Dư luận nhân dân càng thêm nức lòng, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Những kẻ làm việc sai trái, chưa bị xử lý nhởn nhơ coi thường pháp luật sẽ không thể ung dung, che giấu tội lỗi mãi được, bởi không thể qua tai mắt nhân dân và cơ quan chức năng sẽ ra tay, xử lý.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Mạnh tay hơn, không khoan nhượng
Tại cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 11-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đấu tranh phòng chống tiêu cực bao gồm cả đấu tranh phòng chống lãng phí...
Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Những xử lý nghiêm minh vừa qua cho thấy Nhà nước pháp quyền ngày càng thể hiện rõ sức mạnh và phát huy hiệu quả, tạo động lực tích cực. Trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các quan điểm "phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng cấp bách"; "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; "xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra"… đã thể hiện sự đúng đắn, phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều cam go, bởi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn. Do đó, các cơ quan chức năng phải quyết liệt và mạnh tay hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền, bộ máy trong sạch, vững mạnh; không bao giờ khoan nhượng trước các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Giữ vững niềm tin, tạo đồng thuận xã hội
Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, cho rằng qua hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, điển hình như vụ Việt Á, vụ thao túng thị trường chứng khoán, vụ bà Nguyễn Phương Hằng... bị xử lý, đã thể hiện đúng quyết tâm, tinh thần của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Chỉ trong vòng 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, hàng loạt bộ trưởng, nhiều quan chức của các bộ, ngành bị xử lý cho thấy lĩnh vực xây dựng Đảng của Đại hội XIII được triển khai rất nghiêm túc. Từ công tác phòng chống tham nhũng được đẩy lên cao, người dân và cán bộ, đảng viên sẽ giữ vững niềm tin vào Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội.
Ngoài việc phòng chống tham nhũng, cơ quan chức năng cũng phải đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa tham nhũng. Vụ Việt Á, buôn lậu xăng dầu... Đảng cần phải xem xét lại toàn bộ hệ thống giám sát, hệ thống quyền lực của nước ta, có thể chỗ này, chỗ kia còn sơ hở.
N.Hưởng
. Đại tá ĐINH VĂN HUỆ (76 tuổi Đảng, quận 10, TP HCM):
Nhân dân rất hoan nghênh và đồng tình
Tôi đồng tình với phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao ngày 31-3, là những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Việc xử lý nghiêm và kịp thời những hành vi vi phạm cho thấy chúng ta rất quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ việc vi phạm được nhanh chóng điều tra, xét xử, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng. Xử lý nghiêm các vi phạm sẽ góp phần giáo dục và răn đe các trường hợp chuẩn bị phạm tội, dập tắt ngay các ý định phạm tội.
Thời gian qua có nhiều vụ án được đưa ra ánh sáng, người phạm tội có chức vụ cao đều bị xử lý, điều đó cho thấy việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm.
. Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Quyết tâm cao,thực thi nghiêm khắc
Những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng về các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế rất tâm huyết, thể hiện quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc xử lý kịp thời, đồng bộ; vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng và những vụ vi phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tiễn cho thấy những vụ vi phạm nghiêm trọng đều có sự tiếp tay của những người có chức, có quyền. Những đối tượng cấu kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện lợi ích nhóm, làm thất thoát tài sản nhà nước và làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Không chỉ những vụ tiêu cực, tham nhũng lớn, ngay cả "tham nhũng vặt" cũng gây mất niềm tin trong nhân dân.
Do đó, những chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư cần phải được thực thi nghiêm túc để những người có ý định tham nhũng cũng sẽ chùn tay, tác dụng phòng ngừa, răn đe phát huy hiệu quả.
Tr.Hoàng - V.Duẩn ghi
Bình luận (0)