xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không cứu dự án "xí" đất

SỸ ĐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM khẳng định sẽ không có chuyện điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian thực hiện đối với những dự án chậm triển khai và "xí phần" đất

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM chiều 18-12 đã tổ chức buổi họp báo để giải đáp những thông tin về việc "trảm" 180 dự án chậm triển khai trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận.

Khôi phục hoàn toàn quyền lợi cho người dân

Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, thông tin việc quản lý đất đai dựa vào quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở pháp lý, cụ thể là 2 nghị quyết của Chính phủ gồm Nghị quyết 02 và Nghị quyết 80. TP có hơn 4.800 dự án thực hiện từ 2016-2020, những dự án này hằng năm phải lập kế hoạch sử dụng đất. Khi kiểm tra lại nếu dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 3 năm nhưng không làm bất cứ việc gì ngoài mục đích "giữ chỗ" thì buộc phải đưa ra ngoài kế hoạch.

Thời gian qua, Sở TN-MT phối hợp với các quận, huyện rà soát 2.822 dự án trong giai đoạn 2015-2018 và xác định có 180 dự án không thực hiện nên phải đưa vào danh sách bị thu hồi. Ngoài ra, có 598 dự án đã thực hiện xong và 1.541 dự án đang thực hiện vì đủ điều kiện giữ lại trong kế hoạch.

Không cứu dự án xí đất - Ảnh 1.

Dự án liên quan đến khu đất “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão rộng hơn 12.000 m2 đã bị treo từ năm 2007 đến nay Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về cơ sở pháp lý thu hồi 180 dự án trên, giám đốc Sở TN-MT cho rằng trước khi đưa vào "bảng phong thần", sở đã phối hợp với các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư để họ báo cáo, giải trình những nguyên nhân khách quan, chủ quan và xác lập bằng biên bản làm việc. Sở không chấp nhận lý do vì thiếu vốn mà trong 3 năm không thực hiện bất kỳ một hạng mục nào của dự án.

Trước câu hỏi liệu có xảy ra tình huống điều chỉnh quy hoạch để giữ lại dự án chậm triển khai, ông Thắng khẳng định không có chuyện điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian thực hiện dự án bởi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. "Không chỉ dự án vốn ngoài ngân sách mà cả dự án dùng vốn ngân sách đưa vào kế hoạch nhưng chậm triển khai cũng phải thu hồi để bảo đảm quy định pháp luật" - ông Nguyễn Toàn Thắng tái khẳng định.

Ngoài 180 dự án bị "trảm", lãnh đạo ngành TN-MT TP cho biết ở TP HCM còn có Nghị quyết 16 của HĐND TP. Thực hiện nghị quyết này, qua rà soát hơn 1.200 dự án, sở đã thu hồi 547 dự án. "Nguyên tắc là dự án đã bị thu hồi chủ trương mà không nằm trong kế hoạch sử dụng đất thì người dân được khôi phục lại toàn bộ quyền lợi, đặc biệt là quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất" - ông Thắng nhấn mạnh.

Muốn không bị "trảm", phải có hướng ra

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc không ít dự án chậm tiến độ nhưng không nằm trong danh sách bị "trảm", giám đốc Sở TN-MT TP cho rằng phải xem xét tiến độ thực hiện của dự án, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Thắng, Sở TN-MT phải đánh giá tính khả thi bởi dự án bồi thường được 10% trong 3 năm khác với đã bồi thường 60% trong 3 năm. Ngoài ra, sở và các đơn vị liên quan cũng phải căn cứ nguồn lực của chủ đầu tư để thực hiện trong thời gian tới có đủ hay không. Kế đến, phải căn cứ vào quy mô, pháp lý, các bước triển khai để xác định có giữ lại hay không. Đơn cử như dự án Sing - Việt (huyện Bình Chánh) được giữ lại vì đang bồi thường cho người dân. Đến ngày 31-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đã làm việc với chủ đầu tư và đã chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường cho huyện Bình Chánh để bồi thường cho các hộ còn lại.

"Khi dự án được giữ lại nhưng bồi thường còn dang dở thì khu vực chưa được bồi thường sẽ khôi phục mọi quyền lợi cho người dân, còn khu vực chủ đầu tư đã bồi thường sẽ tiếp tục sử dụng, điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế" - giám đốc Sở TN-MT TP thông tin.

Đặc biệt, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết Sở TN-MT cũng để ngỏ một cơ hội cho nhà đầu tư đối với những dự án bị thu hồi là nếu trong thời gian tới, chủ đầu tư có đủ nguồn vốn thì sở sẽ bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc này phải được các cơ quan khác xem xét điều kiện thực tế chứ không phải một mình Sở TN-MT tự quyết. 

Người dân bị ảnh hưởng lên tiếng

Trong 180 dự án nói trên, quận 1 có 8 dự án. Đáng chú ý nhất là dự án liên quan đến khu đất được mệnh danh là "tam giác vàng" Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão rộng hơn 12.000 m2, được triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn "bất động". Hiện khu đất này có 38 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, 1 trường học, 1 ngôi đình.

Trước thông tin TP sẽ điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án treo này, anh Trần Văn Hòa (119/1 Yersin, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) bình luận: "Như vậy mới sòng phẳng!".

Anh Hòa kể nhà anh đang ở là nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1940, hiện xuống cấp trầm trọng. "Ở trên đống tiền nhưng bán không được, sửa nhà cũng không xong thì thử hỏi ai chịu được. Đáng ra phải dứt khoát với dự án này từ nhiều năm trước chứ cứ treo quyền lợi người dân theo quy hoạch treo là không được. Đó là chưa kể, giữa trung tâm TP nhưng tồn tại khu nhà xuống cấp là không thể chấp nhận được" - anh Hòa bức xúc nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo