Dự thảo Nghị định Quy định về đầu tư nước ngoài đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) lấy ý kiến đã bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản (BĐS) theo hướng chỉ nhà đầu tư là doanh nghiệp (DN) thành lập theo quy định của Luật DN mới được phép đầu tư. Như vậy, mọi cá nhân không được phép đầu tư lĩnh vực này ở nước ngoài để tránh tình trạng cá nhân đầu tư BĐS để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Cần thiết nhưng chưa đủ
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết từ năm 2015 đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã có chuyển biến đáng kể. Số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài của DN nhà nước và có vốn nhà nước giảm mạnh; trong khi đó, DN vốn tư nhân và cá nhân tham gia ngày càng nhiều. Xét về lợi ích đối với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao, an ninh, quốc phòng. "Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, phải hạn chế để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, cũng như hạn chế rủi ro về pháp lý và an ninh" - lãnh đạo Bộ KH-ĐT giải thích lý do bổ sung quy định mới trong dự thảo.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao tính cần thiết của việc bổ sung quy định cấm cá nhân "đầu tư" ở nước ngoài mà không phục vụ cho mục đích kinh doanh bởi thực tế, không ít cá nhân là cán bộ của các cơ quan công quyền có 2 quốc tịch cùng lúc trên cơ sở chuyển tiền ra nước ngoài. "Rà soát và bổ sung quy định để ngăn chặn tình trạng chuyển tiền không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh là việc cần phải làm sớm. Tuy nhiên, quy định nêu trong dự thảo có thể chưa đủ chặt chẽ để có thể quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng lách luật. Cần nhiều biện pháp hơn nữa, nhất là khi các hoạt động chuyển tiền hiện nay rất tinh vi, có thể thực hiện qua nhiều kênh như liên doanh, liên kết rồi chuyển tiền trong liên doanh; nhờ đối tác hoặc cá nhân khác chuyển tiền… Khi đó, cá nhân có quốc tịch Việt Nam không trực tiếp chuyển tiền nhưng vẫn chuyển được tiền ra nước ngoài, qua mặt cơ quan quản lý" - TS Lê Đăng Doanh góp ý và cho rằng nên rà soát thêm các quy định về kiểm soát dòng tiền; xây dựng phối hợp với các quốc gia khác để kiểm soát từ 2 chiều đối với các giao dịch có nghi vấn…
Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định phù hợp để không hạn chế quyền được đầu tư, kinh doanh của công dân Việt Nam ra nước ngoài Ảnh: Hoàng Triều
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng cần có quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc về việc đầu tư ra nước ngoài đối với cán bộ, công chức, sĩ quan… do đây là đối tượng dễ lợi dụng chính sách để kiếm lợi, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. "Các biện pháp nêu ra trong dự thảo là cần thiết và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam như Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Đầu tư… Nếu không làm triệt để thì có nguy cơ cán bộ, công chức vi phạm rồi chuyển tiền và bỏ trốn ra nước ngoài. Khi cá nhân đó đã trở thành công dân nước khác sẽ được pháp luật nước đó bảo hộ, không thể bắt giữ và xử lý theo pháp luật Việt Nam" - luật sư Hậu chỉ rõ và lưu ý cần xây dựng hạ tầng công nghệ thật tốt trong lĩnh vực ngân hàng để có công cụ kiểm soát được dòng tiền, khoanh vùng giao dịch trái phép…
Tránh xâm phạm quyền đầu tư của cá nhân
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định phù hợp để không hạn chế quyền được đầu tư, kinh doanh của công dân Việt Nam.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thừa nhận trên thực tế, có sự cấu kết để thực hiện việc đầu tư, mua BĐS ở nước ngoài không vì mục đích kinh doanh. Điều này thể hiện ở một số vụ việc cá nhân có quốc tịch nước ngoài thông qua chuyển tiền đầu tư như báo chí đã phản ánh. Do đó, cần thiết có quy định kiểm soát, hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, việc hạn chế cá nhân đầu tư BĐS ở nước ngoài cần xem xét trên nhiều khía cạnh dựa trên đánh giá cụ thể, chi tiết hơn. "Việc cấm cá nhân đầu tư còn phải xét trên mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác như thế nào? Ngoài ra, cần xem xét ở góc độ nhà đầu tư tư nhân có nhu cầu đầu tư, kinh doanh chính đáng thì ứng xử như thế nào để không hạn chế quyền của họ? Dự thảo nghị định đang hướng phần nhiều vào khối làm việc ở cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn rửa tiền, tham nhũng, lấy quốc tịch thứ 2… nhưng cũng hạn chế quyền của công dân ở ngoài khối này" - TS Võ Trí Thành góp ý.
TS Võ Trí Thành cũng cho rằng bên cạnh việc bổ sung quy định pháp luật thì vai trò giám sát và minh bạch thông tin là rất quan trọng, đặc biệt đối với khối làm việc trong cơ quan nhà nước. Nếu việc giám sát được thực thi tốt sẽ hạn chế các trường hợp đầu tư BĐS ra nước ngoài không vì mục đích sản xuất - kinh doanh mà nhằm động cơ khác.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, cho rằng khi ban hành một chính sách, quy định, nên nhìn một cách tổng thể để tránh tình trạng xây dựng luật pháp chỉ dựa vào một vài trường hợp cụ thể. "Trong bối cảnh hội nhập, phải tính đến độ mở của nền kinh tế cũng như của xã hội đến mức độ nào để thiết kế luật vừa phù hợp điều kiện trong nước vừa phù hợp bối cảnh quốc tế và các hiệp ước, hiệp định của quốc tế mà Việt Nam đang tham gia" - vị chuyên gia nói và gợi ý tính đến các phương án quản lý, kiểm soát liên kết đầu tư thay vì cấm hoàn toàn.
Bình luận (0)