Ngày 5-8, cả nước đã ghi nhận thêm 43 ca mắc Covid-19. Trong đó, Đà Nẵng có 34 ca (đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), Quảng Nam 2 ca, Bắc Giang 2 ca, Lạng Sơn 4 ca và 1 ca là người nhập cảnh từ nước ngoài.
Chống dịch cam go hơn
Bắc Giang và Lạng Sơn là 2 địa phương lần đầu ghi nhận ca bệnh trong đợt dịch mới. Theo đó, 6 người đều cùng gia đình, độ tuổi từ 10-41, từng đi du lịch ở Đà Nẵng.
Như vậy đến nay, Việt Nam có tổng cộng 713 ca mắc Covid-19, trong đó 309 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Có 381 bệnh nhân được điều trị khỏi, 8 người tử vong. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25-7 đến nay là 264 ca tại 11 tỉnh, thành phố, hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (193), Quảng Nam (45), Đắk Lắk (3), TP HCM (8), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (2), Hà Nam (1); Lạng Sơn (4), Bắc Giang (2).
Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về phòng chống dịch Covid-19 ngày 5-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh "cuộc chiến" lần này cam go hơn nhiều do tốc độ lây lan nhanh, lại đánh trúng vào khu vực bệnh nhân nặng nên số ca tử vong, số bệnh nhân nặng gia tăng. Việc quan trọng hiện nay là kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
Từ bài học của Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước trong phòng chống dịch Covid-19 cần phân định rõ cơ sở nào điều trị bệnh nhân dương tính, cơ sở nào sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân; đồng thời phải lên kịch bản rất chi tiết, đầy đủ cho vấn đề nhân lực.
Theo GS Nguyễn Thanh Long, điểm yếu ở các bệnh viện hiện nay chính là các Khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... Với các khoa bệnh này, yêu cầu phải lập ra nhiều vòng bảo vệ vì nếu dịch bệnh xâm nhập vào đó, số tử vong sẽ rất lớn.
Xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Lo thiếu hụt nhân viên y tế chống dịch
Sáng 5-8, tại tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng dịch Covid-19" do Công đoàn Y tế tổ chức, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết hiện đã có 14 cán bộ y tế mắc Covid-19 và hàng ngàn người khác đang phải cách ly khi 4 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng bị phong tỏa.
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nhận định các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. "Việt Nam đang thiếu hụt cán bộ y tế, nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu" - ông Mục lo ngại.
Ngày 7-8 sẽ mở lại Bệnh viện C Đà Nẵng?
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn chuyên gia của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra công tác điều trị, cách ly và đánh giá năng lực xét nghiệm Realtime PCR tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an; trụ sở ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn quyết định công nhận Bệnh viện 199 đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR.
Đối với việc "làm sạch" các bệnh viện sau khi hết cách ly để tiếp nhận và đón chữa bệnh trở lại, theo lãnh đạo Bộ Y tế, sau khi "làm sạch", bệnh viện phải được đánh giá bằng Bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó, phải xây dựng quy trình phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả bệnh nhân có triệu chứng hô hấp để không thể lây nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nếu đáp ứng yêu cầu thì dự kiến thời gian mở cửa Bệnh viện C Đà Nẵng vào ngày 7-8. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng thì thẩm quyền quyết định việc mở cửa trở lại thuộc UBND TP Đà Nẵng.
Bác sĩ mắc Covid-19 ở Đồng Nai không đi học ở TP HCM
Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5-8 đã có báo cáo khẩn liên quan bệnh nhân mắc Covid-19 là bác sĩ Khoa Ung bướu Bệnh viện Đồng Nai (bệnh nhân 669). Theo đó, bệnh nhân có danh sách tham dự một lớp học liên quan đến điều trị bệnh lý tuyến vú do trung tâm đào tạo của bệnh viện tổ chức, từ ngày 20-7 đến 20-8. Học viên của lớp đến từ các tỉnh, không có bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngày 20-7, bệnh nhân không vào lớp, ngày 21-7 có đến nhưng chỉ chào giám đốc Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Chợ Rẫy và trưởng Đơn vị Tuyến vú xin không tham gia lớp học. Tối 23-7, lớp học tổ chức liên hoan và bệnh nhân có tham gia. Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho giám đốc Trung tâm Ung bướu và trưởng Đơn vị Tuyến vú, cả 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Vận động người khỏi Covid-19 hiến huyết tương
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang liên lạc với các trường hợp đã được điều trị khỏi Covid-19 và vận động họ hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Trước đó, trong phác đồ điều trị Covid-19 sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế cho phép sử dụng huyết tương lấy từ những người bệnh Covid-19 đã khỏi và có đủ tiêu chuẩn để điều trị cho người bệnh nặng.
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, quá trình lấy huyết tương không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe người hiến.
Bình luận (0)