ĐBSCL vốn là cái nôi của đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình làm ăn "xé rào", "phá cơ chế" mang đậm dấu ấn doanh nhân miền Tây một thời. Bước sang kinh tế thị trường, đội ngũ DN của vùng không ngừng lớn mạnh, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra và trái cây, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm của cả nước. Nhiều doanh nhân thể hiện bản lĩnh kinh doanh, kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật, quản trị DN vào trang trại, đồng ruộng, hình thành một bộ phận doanh nhân xuất thân từ nông dân.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan với 6 vùng kinh tế cả nước, đặc biệt là với TP HCM, vốn có mối quan hệ máu thịt với đồng bằng, thì khoảng cách phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân miền Tây đang ngày càng bị bỏ xa. Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2019, toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn 53.000 DN, chiếm 7,4% tổng số DN cả nước, thấp hơn nhiều so với miền Đông Nam Bộ (295.000 DN), đồng bằng sông Hồng (hơn 222.000 DN) và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung (gần 96.000 DN). Trong khi số lượng DN cả nước tăng bình quân 17% giai đoạn 2001-2019, thì vùng ĐBSCL chỉ tăng 9,8%. Số DN của vùng trong tổng số DN cả nước giảm nhanh từ 23,3% năm 2000 xuống còn 7,4% vào năm 2018.
Đặc biệt, ĐBSCL đang thiếu những DN lớn có khả năng dẫn dắt "cuộc chơi". Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền địa phương tạo ra các điểm sáng trong bản đồ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là những mảng tối do tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đầu tư cho công nghệ, nhân lực quản lý kỹ thuật của DN còn rất hạn chế. Quy mô DN nhỏ bé, năng lực tài chính yếu kém, nhiều DN vừa phát lên, bỗng chốc "lâm bệnh nặng". Một số chủ DN không có chuyên môn sâu trong ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì DN điêu đứng.
Hội nhập quốc tế đang mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đầy thách thức, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, nhất là đội ngũ doanh nhân non trẻ ở vùng ĐBSCL. Cần đẩy mạnh việc thành lập các "vườn ươm DN", phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN, hình thành các hiệp hội DN hoạt động thực chất và hiệu quả trên quy mô vùng, giúp DN vượt qua hạn chế về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý để vươn lên, đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Bình luận (0)