Tính đến thời điểm này, tỉnh An Giang đã thu hoạch được 126.133 ha/228.479 ha vụ hè thu, sản lượng hơn 728.000 tấn lúa và gần 69.000 tấn nếp. Tuy nhiên, chỉ mới có 15.654 ha được 12 DN thu mua, trong khi giá các loại lúa có xu hướng giảm mạnh, hiện ở mức từ 3.800-5.000 đồng/kg. Dự kiến phần diện tích còn lại hơn 102.000 ha, tương đương hơn 584.000 tấn sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 này.
Ngoài lúa, bình quân mỗi tháng tỉnh An Giang sẽ còn thu hoạch khoảng 83.000 tấn rau màu như bắp, đậu nành, hành lá, sen,… nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn, số còn lại đang cần được hỗ trợ tìm đầu ra.
Các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL cũng đang rơi vào tình trạng đứt gãy khâu tiêu thụ cho nông dân, dẫn đến giá lúa và các loại nông sản khác giảm mạnh trong những ngày qua.
Giá lúa giảm mạnh trong khi tiêu thụ chậm gây khó khăn cho nông dân. Ảnh: Ngọc Trinh
Trước tình hình trên, các địa phương khu vực này đang khẩn trương tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết sở đã thống kê từng loại sản lượng nông sản, trên cơ sở đó phối hợp với Sở Công Thương đưa các mặt hàng nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, các nhóm bán hàng…
Đồng thời, phối hợp với Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành cả nước nhằm đưa sản phẩm của nông dân tại các HTX, tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu trên các website, sàn giao dịch điện tử…
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, khẳng định tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp, cố gắng không để đứt gãy khâu vận chuyển, lưu thông nông sản. Hiện sở này đã tổng hợp danh sách 39 DN vận chuyển hàng hóa gửi Sở Giao thông Vận tải để được hỗ trợ đăng ký giấy nhận diện cho phương tiện.
Đồng thời, có văn bản gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành đề nghị hỗ trợ chuyển tiếp thông tin và phổ biến đến các DN, thương lái có kế hoạch thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang có thông tin điều kiện vận chuyển để đi lại thuận tiện. Ông Hùng đề xuất các tỉnh, thành ĐBSCL nên có cơ chế thống nhất chung để DN, thương lái đến thu mua lúa, nông sản ở vùng nguyên liệu của các địa phương được thuận lợi hơn.
Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khi áp dụng Chỉ thị 16, các DN xay xát gạo phải áp dụng "3 tại chỗ" nên ảnh hướng lớn đến tiêu thụ hàng hóa, nông sản nói chung, trong đó có lúa. Ông Tuấn đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu; có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Bình luận (0)