Không một lý do, không vì lợi nhưng kẻ ác vẫn xuống tay triệt đường sinh sống của 3 mẹ con.
Bà mẹ đau khổ trên là chị Trần Thị Thân ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi chồng mất, gần 3 ha keo là tài sản lớn nhất của chị tích cóp trồng trọt từ đầu năm đến nay. Nó là niềm hy vọng của chị, khi vài năm sau sẽ trang trải được tiền trường cho con, sửa lại mái nhà... "Sao có người ác vậy các chú hè" - câu nói đầy cam chịu và đau đớn của chị với phóng viên. Cuộc sống bình an dù khó khăn của người dân dễ dàng bị chà đạp vậy sao? Sau hơn 10 ngày vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng huyện Hương Khê vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Cách đây chưa lâu, sáng 17-7, khi ra thăm vườn, ông Lê Văn Ba (ngụ xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bàng hoàng khi thấy gần 1 ha bơ của gia đình bị chặt ngang thân, không chừa một cây. Hơn 400 cây bơ ghép ông vun bón, chăm sóc đã 3 năm nay, sau một đêm, kẻ ác xóa sạch. Bất lực trước kẻ xấu, ông chỉ biết cầu cứu các cơ quan chức năng.
Tình trạng kẻ xấu lộng hành như thế không phải là cá biệt. Ghét nhau, phun thuốc xóa sạch cả vườn rau hàng xóm; không vừa ý, cắt gốc cả vườn dưa hấu sắp thu hoạch của người cùng thôn; thù hằn, đổ thuốc trừ sâu xuống ao nuôi tôm của đối thủ kinh doanh... đã từng được báo chí đưa tin. Lẽ ra những kẻ xấu phải ngại ngần trước người lương thiện thì nay người lương thiện cứ nơm nớp lo sợ kẻ xấu. Không ít người đã nhờ cậy các cơ quan chức năng can thiệp nhưng hậu quả cũng khó tránh khỏi nên đành cam chịu.
Biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn cái ác chính là những bản án nghiêm khắc và công khai. Rất nhiều trường hợp khi phát hiện vụ việc, kẻ gây án bị buộc bồi thường và tự thỏa thuận với người bị hại. Vụ án sẽ rơi vào im lặng sau đó và những kẻ xem thường pháp luật sẽ không ngán ngại với hậu quả mà chúng gây ra. Còn người bị hại cũng không dám yêu cầu trừng phạt nặng hơn vì sợ không được bảo vệ. Nói cách khác, tính răn đe của pháp luật không được phát huy tác dụng và câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục diễn ra.
Nhiều nước áp dụng hình phạt đề cao tính răn đe, mà nổi tiếng nhất chính là phạt roi công khai người phạm tội kèm theo phạt tù ở Singapore. Những vết sẹo trên thân thể là bài học nghiêm khắc cho bất cứ ai xem thường pháp luật. Ngoài công dân Singapore, đã có công dân Mỹ, Đức, Thụy Sĩ... từng bị phạt roi ở đảo quốc này. Những kênh ngoại giao của các quốc gia đã từng can thiệp cho công dân của mình nhưng đều bất lực. Hình phạt luôn thực thi và không có sự thỏa thuận nào được chấp nhận. Nguyên lý bất biến là ai vi phạm cũng bị xử lý.
Trở lại câu chuyện chặt vườn keo, nếu thủ phạm không bị trừng trị, thân phận thiện lương và kham khổ của những người như chị Thân sẽ còn bị ức hiếp. Đây là điều không thể chấp nhận trong xã hội thượng tôn pháp luật.
Bình luận (0)