Từ tháng 5 đến nay, khi mùa mưa bắt đầu diễn ra, sau một số trận mưa không quá lớn, nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức (TP HCM) đã ngập nước. Việc đi lại trở nên khó khăn, còn cuộc sống nhiều người thì đảo lộn.
Cứ mưa là ngập
Ngụ trên đường 339, đoạn giao với đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, bà Lê Thị Thái cho biết chỉ cần trận mưa không quá lớn chừng 10 phút là đoạn đường trước nhà bà đã ngập. Có hôm, nhà bà bị nước tràn vào lênh láng.
Theo bà Thái, những miệng cống thoát nước gần nhà bà thường kẹt rác nhưng không thấy đơn vị chức năng nào cho người xử lý.
Nhắc lại nhiều năm trước, bà nói vẫn ám ảnh chuyện ngập triền miên. "Gia đình tôi sống ở cuối tuyến đường, đúng điểm thấp nên nước dồn về. Khi ngập, tôi chỉ còn cách đội mưa đi vớt rác trên những miệng cống để nước thoát nhanh chừng nào hay chừng nấy" - bà Thái kể.
Miệng cống trên đường Lã Xuân Oai, TP Thủ Đức bị rác lấp kín .Ảnh: ANH VŨ
Theo ghi nhận của phóng viên, hình ảnh rác bao vây miệng cống gây tắc nghẽn quá trình thoát nước rất thường gặp. Cũng tại TP Thủ Đức, khu vực chợ Thủ Đức mưa lớn là nước chảy cuồn cuộn. Người dân vừa gồng chân lội bì bõm vừa cảnh giác vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị dòng nước chảy xiết xô ngã. Những miệng cống tại đây cũng như ở các "rốn ngập" trên đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Hồ Văn Tư, Đặng Thị Rành, Tô Ngọc Vân, Lã Xuân Oai… dày đặc túi ni-lông, chai nhựa hoặc bị bịt kín bằng ván gỗ, gạch đá…
Chị Nguyễn Thị Hiên, bán rau ở đường Lã Xuân Oai, sau khi kể lại các lần sơ tán địa điểm của mình đã nhận xét khu vực chợ Tăng Nhơn Phú A hễ mưa là ngập, trong khi miệng cống bị bức tử bởi hoa thừa, trái cây hư… Chị ngao ngán: "Vài lần thấy người ta ném những bịch thức ăn thừa ra miệng cống, tôi nhắc thì bị gắt gỏng: "Đâu phải nhà bà mà nhiều chuyện". Sau đó, phần vì ngại va chạm, phần vì nản nên tôi mặc kệ. Giờ ngập thì tự mình ra nhặt rác ở miệng cống thôi". Chị Hiên bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng quan tâm hơn đến mỹ quan đô thị, hạ tầng cầu đường và tuyên truyền ý thức không xả rác.
Nhiều nơi ở quận Bình Thạnh hay quận 1 cũng tương tự. Nhiều miệng cống bị đồ ăn thừa, xà bần hoặc đất đá, cỏ dại bịt kín. Thậm chí, không ít miệng cống rất lâu không được dọn dẹp, điển hình là trên Quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xiển, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh…
Theo anh Trần Văn Hùng (ngụ đường Ung Văn Khiêm), đường này là một trong những điểm ngập thường xuyên ở quận Bình Thạnh. Vào mùa mưa, người chạy xe máy phải chật vật đi lại hoặc ì ạch dắt bộ vì xe chết máy. Anh nhận xét: "Các miệng cống bị rác vây quanh nên không thể thoát nước. Nếu không có rác ở miệng cống, chỉ 10 phút sau mưa thì nước đã rút hết, còn có rác thì không biết đến bao giờ".
Xử lý không xuể, phải ưu tiên
Phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM (UDC) để tìm câu trả lời về những thắc mắc của người dân xoay quanh việc nạo vét, duy tu cống thoát nước.
Ông Diệp Nguyên Thịnh, Phó Giám đốc UDC, khẳng định việc nạo vét, duy tu hệ thống cống thoát nước năm 2023 của đơn vị luôn bảo đảm đúng quy trình và kế hoạch đã được chủ đầu tư (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP HCM) phê duyệt.
Tại quận Bình Thạnh, UDC đã nạo vét được 3 trong tổng số 5 tuyến đường mà phóng viên phản ánh. Hai tuyến đường còn lại được đưa vào kế hoạch nạo vét trong tháng 6 và 7-2023.
Còn trên địa bàn TP Thủ Đức, UDC đã nạo vét 10 trong tổng số 14 tuyến đường mà phóng viên nêu. Các tuyến đường còn lại - Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Quốc Hương, Nguyễn Duy Trinh - nằm trong kế hoạch nạo vét tháng 6, 7 và 8-2023. Theo ông Thịnh, với kế hoạch nạo vét hằng tháng, khi chủ đầu tư phê duyệt thì UDC mới có thể thực hiện.
Kế hoạch nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn TP HCM thực hiện theo các tiêu chí cụ thể về thứ tự ưu tiên. UDC ưu tiên nạo vét các tuyến đường ngập, tiếp đến là những khu vực đông dân và vùng hạ lưu khi đã đạt độ lắng đọng bùn đất.
Đại diện UDC cho rằng không thể nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố trong cùng một lúc. Do đó, công ty phải lên kế hoạch nạo vét hằng tháng để bảo đảm việc thoát nước tốt nhất.
"Vào mùa khô, công ty phải tranh thủ hoàn tất việc nạo vét tại những tuyến đường thường xuyên ngập trước, để khi bước sang tháng 6 - lúc TP HCM bắt đầu vào mùa mưa thì bảo đảm khả năng thoát nước tốt nhất cho khu vực" - ông Thịnh giải thích.
Về trường hợp người dân cố tình dùng các vật dụng để che chắn miệng cống, ông Thịnh cho rằng do họ muốn giảm bớt mùi hôi từ cống thoát nước. Tuy nhiên, việc này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập giả tạo và hạn chế khả năng thoát nước khi mưa xuống.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, UDC đã thiết kế hố ga ngăn mùi kiểu mới, vừa bảo đảm khả năng thoát nước vừa ngăn được mùi hôi từ cống bốc lên. Đến nay, UDC đã lắp đặt hàng ngàn hố ga ngăn mùi này và vẫn đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch mà chủ đầu tư phê duyệt.
Người dân cần chung tay
Nói về việc các miệng cống thường bị rác che lấp, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, ông Diệp Nguyên Thịnh thừa nhận đây là thực trạng thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường do UDC hay các quận, huyện quản lý. Nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước, khi trời mưa, công ty phân công nhân viên trực tại những điểm thường ngập để vớt rác và hỗ trợ điều tiết giao thông.
Miệng cống bị bịt lại để giảm mùi hôi
UDC mong người dân đồng hành, chung tay trong việc giảm ngập cho thành phố bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Bình luận (0)