Mặc dù đánh giá nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc quản lý vận hành nhà máy nhiệt điện, bảo đảm vận hành an toàn, tuyệt đối không được để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành nhà máy. Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát của chính quyền địa phương và người dân quanh vùng dự án, nhất là vấn đề bụi than, xỉ than.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, cho biết Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 có quy mô công suất 600 MW với tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 1,27 tỉ USD. Sau hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của nhà máy này đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4-2018. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện từ 3,6-3,9 tỉ KWh. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than antracite nội địa. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi-măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được bảo đảm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi kỹ sư vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1
Tại lễ khánh thành, Thủ tướng cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sau một thời gian tồn tại kéo dài để cụm nhiệt điện này có công suất lên đến gần 2.000 MW, khánh thành vào năm 2020. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dự hai lễ khởi công tại tỉnh Thái Bình gồm Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế tỉnh Thái Bình. Với quy mô 1.000 giường bệnh, bệnh viện này khi hoàn thành sẽ là bệnh viện hàng đầu ở tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận. Dự án được triển khai theo chủ trương xã hội hóa y tế, là dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Bình nhiều năm nay, do Tập đoàn FLC đầu tư với tổng vốn hơn 3.700 tỉ đồng. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và Tập đoàn FLC đã ký kết hợp tác về dự án này.
Bình luận (0)